Những ngày qua, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng chuyển tải thông tin xung quanh Hội sách TPHCM lần thứ 8 chuẩn bị diễn ra. Hàng trăm cuốn sách mới được giới thiệu, nhiều tác phẩm hay, đặc sắc được đầu tư quảng bá mạnh, nhiều sự kiện văn hóa lên kế hoạch tổ chức… Sau một năm đầy trắc trở của ngành xuất bản, những thông tin trên là một tín hiệu vui dù khó khăn vẫn còn ở phía trước.
Chỉ 4 nhà xuất bản có lãi
Báo cáo của Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trong năm 2013 các nhà xuất bản (NXB) trên cả nước đã đăng ký hơn 52.325 cuốn nhưng chỉ in được 12.603 cuốn. Như vậy, tỷ lệ xuất bản không đạt lên đến 50% số lượng đăng ký. Cả nước hiện có 64 NXB nhưng chỉ 4 NXB kinh doanh có lãi, ổn định và nộp đủ các nghĩa vụ thuế, một vài NXB khác thì tạm giữ được ổn định còn lại đều gặp khó khăn, thậm chí nhiều đơn vị gần như đang ở tình trạng ngừng hoạt động, chuẩn bị đóng cửa.
Tình trạng khó khăn dẫn đến những hệ lụy xấu như việc 7 NXB (Văn hóa Thông tin, Thể thao, Văn học, Âm nhạc, Thế giới, Văn hóa dân tộc và Hà Nội) đồng loạt gửi đơn kêu cứu đến Cục Xuất bản hồi cuối năm 2013 là một sự kiện chưa có tiền lệ trong ngành xuất bản Việt Nam.
Thực tế khó khăn này đã làm nảy sinh rất nhiều hệ lụy mà trong đó nổi bật nhất là việc liên kết xuất bản. Để tồn tại, nhiều NXB đã phải lệ thuộc vào đối tác, buông lỏng quản lý để mặc cho các đối tác “tự tung, tự tác” trong việc thực hiện các ấn phẩm. Theo Cục trưởng Cục Xuất bản Chu Văn Hòa, có hơn 90% xuất bản phẩm liên kết có nội dung sai sót. Đây chính là nguồn gốc dẫn đến tình trạng dư luận liên tục phản ứng với những xuất bản phẩm kém chất lượng, có nội dung xấu xuất hiện tràn lan trên thị trường thời gian qua. Tình hình khó khăn đến mức Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Đỗ Quý Doãn đã phải thốt lên trong cuộc gặp với cơ quan chủ quản NXB: “Chúng ta phải nỗ lực phấn đấu hết mình để ngành xuất bản thoát ra khỏi tình trạng khó khăn hiện nay, chứ chưa vội nói đến mục tiêu… phát triển!”.
Do “cơ chế, mô hình”?
Có một điều khá đặc biệt là khi đề cập đến các nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn chung của ngành xuất bản hiện nay, sách lậu vẫn được coi là “căn bệnh ung thư” của xuất bản Việt Nam lại không được ai nhắc đến. Đại diện một NXB lớn cho biết, sách lậu vẫn đang lộng hành nhưng chẳng ai muốn nhắc đến vì giải quyết sách lậu là việc quá xa vời, trước mắt còn rất nhiều trở ngại ngay trong nội tại ngành xuất bản mà vẫn chưa có cách giải quyết.
“Cơ chế, mô hình” là một trong những trở ngại như thế, thậm chí Cục Xuất bản là cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản mà Cục trưởng Chu Văn Hòa phải thừa nhận đến nay vẫn đau đáu, hoang mang về 4 chữ trên. Hiện nay, các NXB trong nước hoạt động với nhiều mô hình khác nhau, có đơn vị thành lập công ty TNHH MTV, có nơi lại là sự nghiệp có thu… Thậm chí, có một số NXB đến nay vẫn hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nhà nước dù Luật Doanh nghiệp Nhà nước đã hết hiệu lực từ năm 2010. Do không có cơ chế phù hợp, nhiều đơn vị chủ quản phải “lách luật” để giúp đỡ các NXB trực thuộc không bị phá sản trước khi có sự thay đổi.
Một trở ngại khác cũng là nguyên nhân của vụ 7 NXB làm đơn kêu cứu là vấn đề khó khăn tài chính xuất phát từ việc bất cập trong cơ chế chính sách là phải vừa bảo đảm “phục vụ nhiệm vụ tư tưởng” lại vừa làm tốt “nhiệm vụ kinh doanh”. Trong xuất bản, ai cũng biết các loại sách chính trị, tuyên truyền thường kén bạn đọc, doanh số bán giới hạn, còn loại sách phục vụ nhu cầu giải trí, mang tính thị trường tuy dễ bán nhưng lại bị hạn chế nhiều mặt. Như trường hợp NXB Văn hóa dân tộc vốn chuyên làm sách cho đồng bào vùng sâu, vùng xa sẽ rất khó để đảm bảo doanh thu hay như NXB Thế giới chuyên mảng sách tinh túy tri thức thế giới hay sách cho người nước ngoài với mục đích đối ngoại… Không phải ngẫu nhiên, một số NXB lại có xu hướng muốn trở lại thời “bao cấp” chỉ cần làm sách, mọi khâu khác sẽ do nhà nước lo.
Cơ hội cho nhà xuất bản trong nước
“Bao cấp” trong xuất bản không hẳn là mang ý nghĩa thụ động, thực tế đây được coi là một giải pháp đầy tính khả thi trong tình hình xuất bản hiện nay. Bà Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc NXB Trẻ tán đồng ý kiến này. Theo bà Quách Thu Nguyệt, nhà nước nên chia các NXB thành hai dạng, một là dạng bao cấp hoàn toàn và chỉ chuyên làm các loại ấn phẩm phục vụ mục tiêu chính trị; dạng còn lại theo cơ chế thị trường, nếu cần thiết thậm chí có thể cổ phần hóa do nhà nước nắm chủ đạo. Trước mắt chưa thể thực hiện mô hình trên thì nhà nước có thể lựa chọn phương thức “bao cấp cụ thể” nghĩa là tiến hành đấu thầu, đầu tư cụ thể cho các đầu sách cần thiết, không tiến hành dàn trải, chung chung như hiện nay.
Một giải pháp khác cũng được đề cập đến là việc siết chặt hoạt động quản lý của các NXB. Thực tế, hiện nay có nhiều đơn vị xuất bản “ba không”: không trụ sở, không vốn, không nhân lực dù luật xuất bản luôn quy định cụ thể các tiêu chí này. Điều này dẫn đến các đơn vị trên không thể đảm bảo hoạt động có hiệu quả, mà ngược lại còn tiếp tay cho các sai phạm trong công tác xuất bản.
Hội sách TPHCM được tổ chức 2 năm/lần là sự kiện xuất bản lớn nhất cả nước hiện nay, đây cũng là lúc ngành xuất bản có cơ hội nhìn nhận lại mình, đánh giá thị trường và trong bối cảnh hiện nay đây cũng là cơ hội để ngành xuất bản trong nước tìm cho mình một lối ra.
Tường Vy