Ngày 10 tháng 12: “Đồng bào miền Nam rất anh hùng”

Cách đây 67 năm, từ ngày 10-12-1942, Hồ Chí Minh bắt đầu những ngày bị giam cầm tại Liễu Châu. Trong thời gian này, nhiều bài thơ được sáng tác, trong đó có bài “Tứ cá nguyệt liễu” (Bốn tháng rồi) nhìn lại một chặng đường đầy gian khó, được Nam Trân dịch: “Một ngày tù, nghìn thu ở ngoài/ Lời nói người xưa đâu có sai/ Sống khác loài người vừa bốn tháng/ Tiều tụy còn hơn mười năm trời/ Bởi vì: Bốn tháng cơm không no/ Bốn tháng đêm thiếu ngủ/ Bốn tháng áo không thay/ Bốn tháng không giặt giũ/ Cho nên: Răng rụng mất một chiếc/ Tóc bạc thêm mấy phần/ Gầy đen như quỷ đói/ Ghẻ lở mọc đầy thân/ May mà: Kiên trì và nhẫn nại/ Không chịu lui một phân/ Vật chất tuy đau khổ/ Không nao núng tinh thần”.

Ngày 10-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh họp Hội đồng Chính phủ bàn về Tổng tuyển cử, đưa ra đề nghị tập trung bàn về các nội dung: “Làm thế nào để các ủy ban làng tổ chức cuộc bầu cử cho đúng? Làm thế nào để các cử tri biết cách bỏ phiếu? Làm thế nào để cử tri đi bỏ phiếu thật đông?”.

Ngày 10-12-1951, đáp lại thư của các chiến sĩ báo công thắng trận, Bác viết “Thư trả lời chiến sĩ” động viên: “Luôn giữ vững tinh thần quyết chiến quyết thắng. Luôn giúp đỡ nhân dân và đi sát với nhân dân. Chớ vì thắng mà kiêu, chớ chủ quan khinh địch. Với lính Pháp và ngụy binh ta bắt được, đối đãi với họ tử tế và thuyết phục họ. Mong các cháu cố gắng để thắng nhiều trận nữa...”.

Cùng ngày, Bác viết “Thư gửi các họa sĩ nhân dịp Triển lãm hội họa 1951” nêu rõ: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận đó. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh... Nghệ thuật cũng cần tiến bộ mạnh, muốn tiến bộ mạnh, tiến bộ mãi, thì anh chị em nghệ thuật cần phải dùng phương pháp tự phê bình và phê bình... Chắc có người nghĩ: Cụ Hồ đưa nghệ thuật vào chính trị. Đúng lắm, văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị. Tiền đồ dân tộc rất vẻ vang, tiền đồ nghệ thuật ta rất rộng rãi. Chúc anh chị em mạnh khỏe, tiến bộ, thành công”.

Ngày 10-12-1954, dự họp Bộ Chính trị ngay sau ngày Thủ đô giải phóng, bàn về khôi phục kinh tế, Bác phát biểu: “...mấy năm kháng chiến ta chỉ có nông thôn, bây giờ mới có thành thị... Nếu muốn công nghiệp hóa gấp thì là chủ quan. Cho nên trong kế hoạch phải tăng tiến nông nghiệp”.

Ngày 10-12-1963, dự họp Bộ Chính trị bàn về tình hình mới sau khi ở miền Nam, Diệm bị lật đổ, Bác nhấn mạnh: “Nói thuận lợi nhưng đồng thời phải nói rõ khó khăn. Nên thêm công tác dân vận. Nên nêu khẩu hiệu “Người Việt không đánh người Việt”. Đồng bào miền Nam rất anh hùng, cán bộ, đảng viên rất anh dũng. Phải đoàn kết, quyết tâm, tin tưởng, dù Mỹ có tăng gấp 10 lần ta cũng thắng!”. 

D.T.Q và nhóm cộng sự

Tin cùng chuyên mục