Ngày 11 tháng 12: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng”

Cách đây 90 năm, ngày 11-12-1919,

Cách đây 90 năm, ngày 11-12-1919, báo cáo theo dõi của mật thám Pháp cho biết, Nguyễn Ái Quốc thường xuyên đến thư viện Thánh Giơnvievơ và gặp nhiều người Việt đang sống ở Paris.

Ngày 11-12-1920, mật thám Pháp ghi nhận Nguyễn Ái Quốc đã dự cuộc họp của Chi bộ 13 Đảng Xã hội Pháp.

Ngày 11-12-1923, Nguyễn Ái Quốc đang có mặt tại Matxcơva, tạm thời được biên chế vào Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản và tạm trú tại Khách sạn Lux.

Ngày 11-12-1953, với bút danh C.B., Bác viết bài báo có nhan đề “Một phút đồng hồ” đăng trên báo Nhân Dân, nhắc nhở: Muốn tiết kiệm thời giờ, mọi người phải chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ và phải có tinh thần phụ trách và phải coi “một phút đồng hồ, một nén vàng”.

Tháng 12-1958, nói chuyện với “Lớp nghiên cứu khóa I và Lớp bổ túc văn hóa khóa VI Trưởng Công an Trung ương”, Bác căn dặn: “Công an đánh địch bên ngoài đã khó, đánh địch bên trong còn khó khăn hơn. Vì vậy phải nâng cao kỷ luật, tính tổ chức, chống ba phải nể nang. Công tác phải đi sâu và thiết thực. Làm việc phải có điều tra, nghiên cứu, không được tự kiêu, tự đại. Phải toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân thì khuyết điểm mới có thể khắc phục được và ưu điểm mới có thể phát huy được. Phải đi đường lối quần chúng thì nhân dân mới tin yêu, giúp công an và công an mới thành công được. Phải đoàn kết nội bộ, đoàn kết với nhân dân và với các ngành khác thì công việc mới thắng lợi”.

Cũng trong tháng 12-1958, trên tạp chí Học Tập - cơ quan lý luận của Đảng, với bút danh Trần Lực, Bác viết bài “Đạo đức cách mạng” trình bày hệ thống quan điểm của mình về một vấn đề được coi là “nền tảng” của sự nghiệp cách mạng. Bài báo có đoạn viết: “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng, đó là nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Sinh trưởng trong xã hội cũ, chúng ta ai cũng mang trong mình hoặc nhiều hoặc ít vết tích xấu xa của xã hội đó về tư tưởng, về thói quen... Vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ là chủ nghĩa cá nhân... Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước... Có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi, thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa. Đó cũng là biểu hiện của đạo đức cách mạng”...

Ngày 11-12-1965, Bác dự cuộc họp của Bộ Chính trị thảo luận về tính chất cuộc chiến tranh Mỹ tiến hành ở Việt Nam. Trong ý kiến trao đổi, Bác giải thích về những thuật ngữ như “chiến tranh cục bộ”, “chiến tranh đặc biệt”: “Đó là cách nói chữ của Mỹ. Còn ta cứ nói là “chiến tranh xâm lược”... Dù hình thức chiến tranh nào, nhân dân ta cũng quyết đánh, quyết thắng”. Bác dự đoán: “Thời gian đến khi bầu cử tổng thống, nội bộ chúng sẽ mâu thuẫn”, nhưng cũng nhắc nhở phải chuẩn bị tinh thần ứng phó với việc Mỹ có thể ném bom Hà Nội, Hải Phòng (điều mà sau đó không lâu đã trở thành hiện thực).

D.T.Q và nhóm cộng sự

Tin cùng chuyên mục