Cách đây 89 năm, ngày 11-2-1920, Nguyễn Ái Quốc diễn thuyết về đề tài “Chủ nghĩa bônsêvich ở châu Á” tại Hội nghị những thanh niên cộng sản tại Paris.Còn ngày này cách nay 58 năm, ngày 11-2-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự khai mạc Đại hội Đảng lần thứ II và đọc Báo cáo chính trị, đặt ra yêu cầu cấp bách “chúng ta phải có một đảng công khai, tổ chức hợp với tình hình thế giới và tình hình trong nước để lãnh đạo toàn dân đấu tranh cho đến thắng lợi, Đảng đó lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam... kết nạp những công nhân, nông dân, lao động trí óc, thật hăng hái, thật giác ngộ cách mạng... Đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tổ chức theo chế độ dân chủ tập trung, có kỷ luật sắt đồng thời là kỷ luật tự giác, dùng lối “phê bình và tự phê bình” làm “luật phát triển” của Đảng. Nhà sáng lập của Đảng khẳng định: “Đảng Lao động Việt Nam phải là một đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch và cách mạng triệt để... Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”.
Ngày 11-2-1960, Báo Nhân Dân đăng bài “Không để một khe hở”, biểu dương những người dân bình thường phát hiện cho báo Đảng những hiện tượng lãng phí và cho rằng “họ đáng làm gương cho một số người được Nhà nước giao cho trông nom hoặc sử dụng của cải chung mà chưa làm tròn trách nhiệm”. Tác giả cũng đánh giá: “Nhưng nhìn chung thì trên mặt trận này, vòng vây của chúng ta chưa xiết chặt lắm. Vì vậy mà của cải dành dụm của chúng ta không những rơi vãi một phần vào cái hố lãng phí mà còn bị bọn tham ô đục khoét mất một phần khác. Bắt giam hết bọn ăn cắp ấy ư? Trừng phạt chúng thật nặng ư? Việc đó không phải chúng ta không làm. Nhưng điều quan trọng nhất... vẫn là phải gây chung quanh chúng một không khí công chúng công phẫn và tẩy chay về mặt đạo đức. Phải không còn một ai vỗ vai gượng nhẹ với chúng nữa! Có như vậy mới ngăn chặn được những hành động ăn cắp của công và mới bảo vệ được tích lũy của chúng ta”.
Ngày 11-2-1967, Bác họp Bộ Chính trị để bàn việc trả lời Giáo hoàng J.Paul VI và Tổng thống Mỹ L.B.Johnson. Giữa khi cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đang diễn ra khốc liệt cũng là lúc phong trào phản chiến phát triển mạnh mẽ trên thế giới và ngay tại nước Mỹ, cùng trong ngày 8-2, vị giáo chủ của Tòa thánh Vatican đã gửi điện (lần thứ 3) đến Chủ tịch Hồ Chí Minh “tỏ ý muốn sớm có giải pháp hòa bình ở Việt Nam” và Tổng thống Mỹ đã viết một bức thư gửi người đứng đầu nhà nước Việt Nam nêu những điều kiện chấm dứt chiến tranh.
Tuy nhiên, điều đáng nói là ngày 14-2-1967, cùng với ngày công bố nội dung điện trả lời Giáo hoàng và một ngày trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời thư Tổng thống Mỹ (15-2), chính Johnson đã ra lệnh ném bom trở lại miền Bắc Việt Nam một cách dữ dội!
D.T.Q. và nhóm cộng sự