Cách đây 84 năm, ngày 13-7-1925, là thành viên của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức, Nguyễn Ái Quốc - mang bí danh Lý Thụy - được Ủy ban bãi công Cảng Tỉnh (Hồng Công và Quảng Châu) chọn tham gia diễn thuyết với chủ đề “Quan hệ giữa công nhân Trung Quốc với các dân tộc bị áp bức và sự cần thiết phải liên hiệp lại đánh đổ đế quốc”.
Ngày 13-7-1946, Bác tiếp nhiều kiều bào và một số chính khách Pháp như Đô đốc Barjot, Bộ trưởng Quốc phòng Michelet và tiếp phóng viên Báo Phụ nữ của Pháp để giới thiệu vai trò của phụ nữ trong truyền thống lịch sử cũng như trong Quốc hội Việt Nam hiện tại.
Ngày 13-7-1953, Báo Cứu Quốc đăng bài “Tính chất của Đảng Lao Động Việt Nam” của Bác (với bút danh Đ.X.), xác định: “Đảng Lao Động là tổ chức cao nhất của giai cấp cần lao và đại biểu cho lợi ích cả dân tộc” và nhấn mạnh: “Đảng có kỷ luật rất nghiêm khắc... Trong Đảng không thể có những phần tử lạc hậu và đầu cơ”.
Ngày 13-7-1955, trong chuyến thăm Liên Xô, dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam đến viếng lăng và nơi làm việc của Lênin, Bác ghi vào sổ vàng dòng chữ: “Lênin, người thầy vĩ đại của cách mệnh vô sản. Cũng là một vị đạo đức rất cao, dạy chúng ta phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Tinh thần Lênin muôn đời bất diệt”.
Ngày 13-7-1956, trả lời các câu hỏi của phóng viên Hãng AP của Mỹ, Bác khẳng định: “Nhân dân cả nước Việt Nam sẽ đấu tranh mạnh hơn để cho có tổng tuyển cử tự do trong khắp cả nước. Đó là nguyện vọng tha thiết của toàn dân Việt Nam đã được Hiệp định Genève 1954 thừa nhận... Đất nước Việt Nam từ Bắc đến Nam là một khối, cần được thống nhất. Không thể chia cắt Việt Nam làm hai nước riêng biệt, cũng như không thể chia cắt Hoa Kỳ thành hai nước riêng biệt”.
Tháng 7-1957, vào dịp sang thăm Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài nói với các nhà báo nước bạn, kể lại quá trình giác ngộ học thuyết của Lênin: “Khi Cách mạng tháng Mười nổ ra ở nước Nga, tôi sống ở Pháp... Tôi mới chỉ là một người yêu nước, có tinh thần cách mạng và một người chống chủ nghĩa thực dân... Những người vô sản Pháp đã giúp tôi hiểu rõ ý nghĩa vĩ đại những sự kiện lịch sử diễn ra ở nước Nga... Tại Đại hội nổi tiếng ở Tours năm 1920, khi phải xác định rõ thái độ của mình đối với các Quốc tế, tôi đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ Ba. Tại sao? Chính là vì Quốc tế thứ Ba đấu tranh để giải phóng các dân tộc bị áp bức, còn các đại biểu của Quốc tế thứ Hai, trong tất cả những lời phát biểu của họ, đã ra sức lảng tránh vấn đề vận mệnh của các thuộc địa... Đó là nguyên nhân chủ yếu khiến tôi đứng dưới ngọn cờ của Quốc tế thứ Ba...”.
Ngày 13-7-1966, Bác thăm một số đơn vị của bộ đội thông tin thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, với lời dặn dò: “Công tác thông tin liên lạc là một công tác quan trọng, nó như thần kinh, mạch máu của con người vậy”.
Ngày 13-7-1968, trong thư gửi Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, Bác biểu dương “quân và dân Trị - Thiên đã đánh đuổi hàng vạn quân tinh nhuệ của Mỹ phải rút chạy khỏi Khe Sanh”. Lá thư kết thúc bằng 2 câu: “Nam Bắc một lòng, ra sức đánh giặc/Thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”.
D.T.Q. và nhóm cộng sự