Cách đây 86 năm, Nguyễn Ái Quốc chuyển nơi cư trú từ số 9 ngõ Compoint đến số 3 phố Marches dé Patriarches - trụ sở của Hội Liên hiệp các thuộc địa và là tòa soạn báo “Le Paria” (Người Cùng Khổ). Quan sát của mật thám cho biết khi ra đi nhà ái quốc Việt Nam chỉ mang theo tài sản duy nhất là “cái giường xếp”.
Ngày 14-3-1948, từ Chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ gửi thư cho một bạn cũ người Italia tham gia Đảng Xã hội Pháp tên là Michele Zecchini. Michele Zecchini đã từng giúp đỡ Bác trong thời gian mới từ Anh trở lại Pháp hoạt động. Trong thư, Bác viết về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, thể hiện quyết tâm giành độc lập của dân tộc ta và về bệnh phổi cùng những khó khăn khi phải chống chọi với khí hậu ẩm ướt trên rừng núi chiến khu.
Cách đây nửa thế kỷ, ngày 14-3-1959, Bác đến dự Hội nghị cán bộ Công đoàn. Phát biểu trước đội ngũ cán bộ công đoàn, Bác nêu rõ những nhiệm vụ chính trị của Công đoàn và yêu cầu “phải chú ý hơn nữa đến đời sống vật chất của công nhân”. Bác kết luận: “Nói tóm lại, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có người xã hội chủ nghĩa. Công nhân phải thành người xã hội chủ nghĩa, cán bộ công đoàn trước hết phải là người xã hội chủ nghĩa. Muốn thành người xã hội chủ nghĩa, phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, phải chống chủ nghĩa cá nhân, phải có tinh thần làm chủ đất nước, chống tư tưởng làm thuê làm mướn ngày trước, vì bây giờ làm cho giai cấp mình, cho con cháu mình. Phải đặt lợi ích giai cấp và dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, chống thói kèn cựa, suy bì, ích kỷ. Phải có lề lối làm việc xã hội chủ nghĩa là siêng năng, khẩn trương, khiêm tốn, luôn cố gắng tiến bộ...”.
Ngày 14-3-1960, Bác viết bài “Học tập không mỏi, cải tiến không ngừng” đăng trên Báo Nhân Dân, phân tích: “Chúng ta, những người lao động làm chủ nước nhà. Chúng ta học tập chính là để có đủ năng lực làm chủ, có đủ năng lực tổ chức cuộc sống mới. Bởi vậy ý thức làm chủ không chỉ tỏ rõ ở tinh thần hăng hái lao động, mà còn phải tỏ rõ ở tinh thần say mê học tập để không ngừng nâng cao năng lực làm chủ của mình…”. “Cho nên, phải “học, học nữa, học mãi” như Lênin đã dạy”.
Ngày 14-3-1962, Báo Nhân Dân đăng bài “Làm thế nào cho lạc thêm vui”. Dưới bút danh “T.L”, Bác đề cập tới một hiện tượng diễn ra ở quê Bác: “Dân Nghệ quê choa/Mỗi năm ăn quà/Hết chín nghìn bảy (9.720) tấn gang” để phân tích về chính sách “thắt lưng buộc bụng” để công nghiệp hóa đất nước.
Hiện tượng lãng phí trong việc sản xuất kẹo, riêng ở Nghệ An mỗi năm cũng sử dụng đến 650 tấn lạc, nếu xuất khẩu có thể mua về 9.720 tấn gang. Bài báo nhắc nhở cán bộ phải khéo léo giải thích để “đồng bào ta sẽ vui lòng tiết kiệm lạc và các thứ nông sản khác để bán cho nhà nước xuất khẩu đổi lấy máy móc và nguyên liệu. Vậy có thơ rằng: “Làm thế nào cho “lạc” thêm vui?/Đổi lấy máy móc thì bày tui quyết làm!”.
D.T.Q. và nhóm cộng sự