Cách đây 86 năm, ngày 16-6-1923, Cơ quan đặc mệnh toàn quyền của Liên bang Xô Viết tại Berlin (Đức) cấp giấy thông hành đến nước Nga cho Nguyễn Ái Quốc. Trên tấm giấy số 1829, Bác sử dụng tính danh là “Chen Vang”, nghề nghiệp: thợ ảnh. Với tấm giấy này, Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị thực hiện ước mơ của mình là đến được đất nước của V.I.Lênin.
Ngày 16-6-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công”, Vụ Châu Á và châu Đại Dương của Bộ Ngoại giao Pháp gửi văn bản đến Bộ trưởng Thuộc địa với chủ đề “Về nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc”, trong đó cho biết cơ quan lãnh sự của Pháp đang tích cực can thiệp với nhà cầm quyền Hồng Công nhằm “giành lại Nguyễn Ái Quốc bằng cách dẫn độ hoặc nếu phương án này không thể thực hiện được thì quản thúc ông ta trong một thời gian nhất định tại một thuộc địa của Anh...”. Còn trong một bức điện khẩn của Bộ Thuộc địa gửi cho chính quyền thực dân ở Hà Nội, thì hí hửng: “Thành công mỹ mãn của các cơ quan an ninh Pháp và Anh chứng tỏ mối quan tâm chung hàng đầu của các cường quốc thuộc địa ở Viễn Đông là phải phối hợp hành động”.
Ngày 16-6-1946, trong thời gian lưu lại thành phố Biarritz để chờ Chính phủ Pháp thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm vùng biên giới giáp Tây Ban Nha.
Ngày 16-6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi các nhân viên cơ quan chính phủ” nhằm động viên đội ngũ những công chức của nhà nước kháng chiến xuất thân từ nhiều tầng lớp xã hội khác nhau đang chịu đựng nhiều gian khổ, thiếu thốn. Thư có đoạn: “Những anh chị em ở tiền phương đem xương máu giữ gìn Tổ quốc, là chiến sĩ. Những anh chị em ở hậu phương, đem tài năng giúp việc Chính phủ cũng là chiến sĩ. Những chiến sĩ ăn gió nằm sương, xung phong hãm trận, chết sống không biết cũng là hy sinh. Những chiến sĩ ở hậu phương lên dốc xuống đèo, ăn túng mặc thiếu, ốm khỏe bao giờ không biết, cũng là hy sinh. Tuy cách hy sinh khác nhau, những tiền phương và hậu phương đều vì Tổ quốc, vì đồng bào hy sinh... Trường kỳ kháng chiến là một viên đá thử vàng đối với mỗi một quốc dân, đồng thời là một trường học để rèn luyện cho cán bộ”.
Ngày 16-6-1948, sau 2 ngày họp Đảng - Đoàn Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Hội đồng Liên bộ, có các bộ trưởng ngoài Đảng như Vũ Đình Hòe, Phan Anh... bàn nhiều vấn đề, trong đó có việc đối phó với việc thực dân lập chính phủ “bù nhìn”. Bác kết luận, chưa nên đưa Vĩnh Thụy ra tòa, “chờ khi đập thì đập cho đúng và cho trúng”.
Ngày 16-6-1949, kết thúc phiên họp Hội đồng Chính phủ diễn ra trong 2 ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết: “a) Mọi việc muốn thành công cần phải trông vào dân. Các kế hoạch chương trình cần phổ biến cho dân hiểu và vận động dân tham gia. b) Cán bộ cần chú ý giúp cho nhân viên quán xuyến công việc, trông xa và trông rộng, nhìn rõ công việc chung. c) Trong kế hoạch thi đua của các bộ, cần phải chú ý việc tuyên truyền trong dân... d) Các bộ và các cơ quan phải luôn luôn giữ bí mật, quân sự hóa, chuẩn bị tinh thần và vật chất để sẵn sàng đối phó với mọi chuyển biến của thời cuộc”.
D.T.Q. và nhóm cộng sự