Cách đây 87 năm, ngày 18-2-1922, tại Paris, Nguyễn Ái Quốc nhận được thư của Phan Châu Trinh gửi từ Marseille. Cụ Phan là một nhà ái quốc lớn, lại là người có quan hệ thâm tình trong phong trào Việt kiều tại Pháp. Về tuổi tác và uy tín, Phan Châu Trinh tuy là bậc bề trên nhưng thực tiễn đã giúp cụ nhận ra rằng con đường của mình đã không theo kịp thời đại và tương lai sẽ thuộc về Nguyễn Ái Quốc.
Trong thư cụ đã thẳng thắn nói những khác biệt về đường lối, phê phán những điều mà mình cho là còn bất cập..., nhưng cũng rất chân thành nhận rằng: “Bây giờ tôi tợ chim lồng cá chậu. Vả lại cây già thì gió dễ lay, người già thì trí dễ lẫn, cảnh tôi như hoa sắp tàn...” và thừa nhận: “Còn Anh như cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hỏi, lý thuyết tinh thông” và “tôi tin rằng không bao lâu nữa cái chủ nghĩa Anh tôn thờ sẽ thâm căn cố đế trong đám dân tình chí sĩ nước ta”.
Chỉ 8 năm sau, Nguyễn Ái Quốc đã thực hiện sứ mạng thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và ngày 18-2-1930 đã ra “Lời kêu gọi”: “Từ nay anh chị em chúng ta cần phải gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng để đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến An Nam và giai cấp tư sản phản cách mạng, làm cho nước An Nam độc lập, thành lập Chính phủ công-nông-binh... đem lại mọi quyền tự do cho nhân dân, thực hành giáo dục toàn dân, thực hiện nam nữ bình quyền”.
Ngày 18-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi công hàm tới Trung Quốc, Mỹ, Liên Xô và Anh, vạch trần âm mưu tái xâm lược của thực dân Pháp và khẩn thiết yêu cầu: “Thực hiện tất cả những bước đi thích hợp để bằng sự can thiệp khẩn cấp ngăn chặn cuộc đổ máu đang diễn ra ở Nam Việt Nam để đi tới một giải pháp cấp bách và hợp lý cho vấn đề Đông Dương”. Hồ Chủ tịch khẳng định: “Chúng tôi đã xác định sẽ chiến đấu tới giọt máu cuối cùng chống lại việc tái lập chủ nghĩa đế quốc Pháp” và đề nghị “đưa vấn đề Đông Dương ra trước Liên hiệp quốc”.
Ngày 18-2-1951, Đại hội Đảng lần thứ II đã bầu Bác vào Ban Chấp hành Trung ương và giữ cương vị Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam.
Ngày 18-2-1958 là mồng một Tết Mậu Tuất, vừa về nước sau chuyến thăm Ấn Độ và Miến Điện, Bác dành thời gian thăm các đơn vị quân đội, nhà máy, Đại học Bách khoa, đồng bào người Hoa, cán bộ tập kết và gửi thư thăm Trường thương binh hỏng mắt.
Ngày 18-2-1960, Bác viết bài báo “Hơn hẳn” để khẳng định tính hơn hẳn giữa 2 phương thức xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa quyết định bởi “năng suất lao động, cho nên... chúng ta hãy kiên quyết giảm bớt những cuộc bàn cãi suông xem chừng không bổ ích mấy. Hãy dồn sức vào giải quyết những vấn đề thiết thực hơn để không ngừng nâng cao năng suất lao động... Năng suất lao động - tích lũy cao - sản xuất cao - đời sống cao. Đó là con đường tiến lên không ngừng của chúng ta”.
D.T.Q và nhóm cộng sự