Ngày 18 tháng 6: “Những yêu sách của nhân dân An Nam”

Cách đây 90 năm, ngày 18-6-1919,

Cách đây 90 năm, ngày 18-6-1919, văn kiện “Những yêu sách của nhân dân An Nam” ký tên Nguyễn Ái Quốc thay mặt Nhóm những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, đã được gửi tới Hòa hội Versailles, nơi các nước thắng trận họp để phân chia trật tự thế giới sau Đại chiến lần thứ nhất. Văn kiện này cũng được gửi tới một số đoàn đại biểu tham dự và được đăng tải trên nhiều tờ báo ở Pháp.

Nội dung yêu sách gồm 8 điểm: “1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị; 2.Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu...; 3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận; 4. Tự do lập hội và hội họp; 5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương; 6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ; 7. Thay chế độ các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật; 8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra tại Nghị viện Pháp để giúp cho nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ”.

Cùng ngày, một bức thư cũng ký tên Nguyễn Ái Quốc đã gửi tới Tổng thống Mỹ “kèm theo đây là bản ghi các yêu sách của nhân dân An Nam. Chúng tôi mong ngài ủng hộ trước những người có thẩm quyền...”.

Nguyễn Ái Quốc lúc đầu là tên chung của “Nhóm người Việt Nam yêu nước”, sau đó Nguyễn Tất Thành đứng ra chịu trách nhiệm trước chính quyền thực dân về văn bản này và kể từ đó cái tên Nguyễn Ái Quốc trở nên nổi tiếng gắn với một thời kỳ hoạt động sôi nổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhận xét về văn kiện này, Bộ Nội vụ Pháp khẳng định: “Qua cuộc điều tra... có thể rút ra kết luận rằng hiện nay linh hồn của phong trào đó chính là Nguyễn Ái Quốc”.

Ngày 18-6-1922, vở kịch “Con rồng tre” (Le Dragon de Bambou) của Nguyễn Ái Quốc được “Câu lạc bộ Ngoại ô” (Club de Faubourg) công diễn tại Paris. Vở kịch dùng hình tượng con rồng tre để vạch trần bản chất bù nhìn của Nam triều và được trình diễn 6 ngày trước khi “Hoàng đế An Nam” Khải Định đặt chân tới Paris. Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ngoại ô Léon Poldès nhận xét: “Tôi đã đọc bản thảo. Thật là hay, thật là đẹp, lời văn vừa chải chuốt vừa gọn gàng, với những cái châm biếm dí dỏm của Aristophane”.

Ngày 18-6-1946, nhân kỷ niệm “Ngày Kháng chiến”, trong thời gian lưu lại Biarritz, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn Việt Nam sang dự Hội nghị Fontainebleau đã đến đặt vòng hoa tại Đài chiến sĩ trận vong ở địa phương.

Ngày 18-6-1953, Bác gửi điện tới Chủ tịch Ủy ban Dân tộc Giải phóng Cao Miên (Campuchia) Sơn Ngọc Minh nhân kỷ niệm ngày Tuyên bố độc lập, trong đó nêu rõ: “Thắng lợi của nhân dân Miên cũng là thắng lợi chung của nhân dân Việt Nam và Liên minh Việt - Miên - Lào đoàn kết chiến đấu, đánh đuổi kẻ thù chung...”.

Ngày 18-6-1965, trả lời phỏng vấn của báo “Pravda” (Sự Thật) của Liên Xô, Bác nêu rõ: “Cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước hiện nay động viên đến mức cao nhất truyền thống đoàn kết chiến đấu của nhân dân Việt Nam”.

D.T.Q. và nhóm cộng sự

Tin cùng chuyên mục