Ngày 2 tháng 6: “Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm”

Cách đây 98 năm,

Cách đây 98 năm, ngày 2-6-1911, Nguyễn Tất Thành xuống tàu Amiral Latouche Tréville của Hãng Năm sao (Charges Réunis), chuẩn bị rời bến cảng Sài Gòn qua cảng Marseille của nước Pháp để xin việc.

Ngày 2-6-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu lại thành phố Calcuta (Ấn Độ), đến chào Toàn quyền Anh, đến thăm một tòa báo và tiếp xúc với báo giới Ấn cùng một số bà con Việt kiều sống tại đây. Từ đây, Bác rất chu đáo gửi về nước bức điện cho Chính phủ: “Chúng tôi đã tới Calcuta được bình yên cả... Chúng tôi nhờ Chính phủ cảm ơn đồng bào ta và các bạn người Pháp đã tiễn chúng tôi ở Gia Lâm. Tôi gửi những cái hôn cho các cháu”.

Ngày 2-6-1949, Báo Cứu Quốc đăng tiếp bài “Thế nào là Chính” của Bác, ký bút danh là Lê Quyết Thắng. Bài báo phân tích: “Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn. Điều gì không đứng đắn, thẳng thắn là tà. Cần, Kiệm, Liêm là gốc rễ của Chính. Nhưng một cây cần có gốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải Chính mới là người hoàn toàn... Làm việc Chính là người thiện. Làm việc Tà là người ác... Lười biếng, xa xỉ, tham lam là tà, là ác... Cụ Khổng Tử nói: mình có đứng đắn mới tề gia được, trị được quốc, bình được thiên hạ. Tự mình Chính trước, mới giúp người khác Chính. Mình không Chính mà muốn người khác Chính là vô lý... Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy mình cũng tránh. Việc gì dù có lợi cho mình, phải xét có lợi cho nước không? Nếu không có lợi mà có hại cho nước thì quyết không làm... Cả 20 triệu đồng bào ta đều làm như vậy, thì nước ta nhất định mau giàu, dân ta nhất định được nhiều hạnh phúc”.

Cũng trong thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời báo Pháp “Franc-Tireur”, khẳng định lập trường: “Quan niệm hợp tác thân thiện giữa hai dân tộc Pháp và Việt Nam của tôi vẫn không thay đổi”. Về những cải cách xã hội đã làm: “Đã thanh toán gần hết nạn mù chữ, tránh được nạn đói kém, thủ tiêu những thứ thuế má nô lệ. Về việc cải cách ruộng đất, giảm địa tô hai mươi phần trăm. Không chia ruộng đất”. Với câu hỏi: “Nếu quả thật cụ là người cộng sản thì lý tưởng của riêng cụ khác với ý nguyện độc lập quốc gia của nhân dân Việt Nam ở điểm nào?”, Bác trả lời: “Lý tưởng chung của tôi và của nhân dân Việt Nam là nước nhà độc lập thống nhất thực sự... Chúng tôi bao giờ cũng trọng ở sức mình. Chúng tôi không sợ ai cả. Không nước nào có thể thống trị được chúng tôi.”

Ngày 2-6-1950, Báo Cứu Quốc đăng thư cảm ơn của Bác, trong đó bày tỏ: “Về phần tôi, tôi xin báo cáo với chiến sĩ và đồng bào rằng: 60 tuổi cũng còn xuân chán. Tôi vẫn đủ tinh thần và sức khỏe để cùng chiến sĩ và đồng bào đánh đuổi giặc Pháp, tranh lại độc lập và thống nhất thực sự cho Tổ quốc, hợp sức với các nước bạn để giữ gìn dân chủ và thế giới hòa bình”.

D.T.Q. và nhóm cộng sự

Tin cùng chuyên mục