Ngày 2 tháng 7: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”

Cách đây 78 năm, ngày 2-7-1931,

Cách đây 78 năm, ngày 2-7-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công”, viên Thống đốc người Anh của thành phố này đã ký lệnh bắt giam Bác lần thứ ba, nhằm kéo dài thời gian giam giữ để dàn xếp những thỏa hiệp với Pháp. Hai năm sau, vào tháng 7-1933, Nguyễn Ái Quốc từ Hạ Môn đáp tàu thủy đi Thượng Hải (Trung Quốc) trong vai một thân sĩ “quần áo sang trọng, ở khách sạn, nhưng đêm đêm khóa phòng lại ăn khoai trừ bữa và tự giặt lấy quần áo”. Đó là lúc nhà cách mạng đã thoát khỏi ngục tù và đang tìm đường quay lại nước Nga.

Ngày 2-7-1946, Chính phủ Pháp chính thức tiếp xúc với Chủ tịch nước Việt Nam với những nghi lễ trọng thể. Thủ tướng Pháp Georges Bidault hội đàm riêng với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Buổi chiều, chủ nhà mở tiệc chiêu đãi trọng thể. Trong lời chào mừng, người đứng đầu nước Pháp đánh giá: “Sự kiện Ngài đến đây có một ý nghĩa rất cao xa. Nó làm cho tình thân thiện giữa hai nước chúng ta khăng khít lại…”.

Trong đáp từ, người đứng đầu nhà nước Việt Nam bày tỏ: “Tôi tin rằng chẳng bao lâu nước Việt Nam sẽ đóng vai trò xứng đáng ở Thái Bình Dương, là một nước độc lập làm vẻ vang lớn cho nước Pháp... Chúng ta đều được kích thích bởi một tinh thần. Triết lý đạo Khổng và triết lý phương Tây đều tán dương một nguyên tắc: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”(điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người khác). Tôi tin rằng trong những điều kiện ấy Hội nghị Fontainebleau sẽ đi tới những kết quả tốt đẹp... Sự hợp tác thành thực và thân thiện của hai nước sẽ là một gương lớn cho thế giới biết rằng: với một sự tin cậy lẫn nhau, những dân tộc tự do và bình đẳng vẫn có thể giải quyết những vấn đề khó khăn nhất…”. Cùng ngày, Bác viết thư gửi “các binh sĩ Việt Nam ở Pháp” thông báo thỏa thuận với Chính phủ Pháp về kế hoạch hồi hương và mong anh em khi về nước sẽ “ăn ở xứng đáng là công dân của nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam”.

Ngày 2-7-1952, Bác dự họp Chính phủ nghe cơ quan thanh tra báo cáo về tình hình quản lý tài chính trong quân đội, tình trạng tham ô, lãng phí của một số cán bộ. Kết luận cuộc họp, Bác nêu rõ cần phải biểu dương những cán bộ tốt, trong sạch, cần kiệm; mấy năm sau cách mạng mà tham ô lãng phí còn khá phổ biến trong cán bộ ta vì giáo dục thiếu sót, cần phải sửa dần, một cách có kế hoạch, có chuẩn bị...

Ngày 2-7-1954, Báo Cứu Quốc đăng bài “Không biết!” của Bác. Đấy là câu trả lời của 26 cụ phụ lão tỉnh Hà Nam bị giặc Pháp bắt trong một trận càn, dù bị tra tấn vẫn không chịu khuất phục nên bị quân thù giết hại. Bài báo ca ngợi tấm gương anh dũng và cho biết Chính phủ đã truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho các vị phụ lão anh hùng.

Ngày 2-7-1961, Bác đến thăm và nói chuyện với Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ nấu ăn toàn miền Bắc được tổ chức lần đầu tiên. Tại đó, Bác phê bình những cách nghĩ sai lầm về nghề nấu ăn, khẳng định đó là một nghề quan trọng đối với xã hội và bày tỏ mong muốn, qua phong trào thi đua sẽ có nhiều anh nuôi, chị nuôi giành được danh hiệu Anh hùng vẻ vang.

D.T.Q. và nhóm cộng sự

Tin cùng chuyên mục