Cách đây 88 năm, ngày 20-7-1921, Nguyễn Ái Quốc nhận được giấy mời dự cuộc họp thông báo lần cuối cùng về Điều lệ của Hội Liên hiệp Thuộc địa.
Ngày 20-7-1922, Báo L’Humanité (Nhân Đạo) đăng bút ký “Con nguời biết mùi hun khói” của Nguyễn Ái Quốc viết bằng tiếng Pháp.
Bằng ngòi bút viễn tưởng, bài ký hình dung ra một nước Cộng hòa Phi châu vào năm 1998 đã thiết lập chế độ xô viết và nhân vật cụ Kimengô, một chiến sĩ cách mạng lão thành, lúc này đã là công sứ đại diện cho nước Pháp ở nước Cộng hòa đã ôn lại quá khứ cay đắng của chế độ thuộc địa và sự giác ngộ tình hữu ái và chủ nghĩa cộng sản đã làm thay đổi thân phận các dân tộc.
Ngày 20-7-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công”, Tống Văn Sơ (tức Bác) bị thẩm vấn lần thứ ba.
Ngày 20-7-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục những cuộc tiếp xúc với các nhà chính khách và trí thức Pháp. Bác đến thăm vợ chồng nhà bác học Joliot Curie, “cả hai ông bà đều sốt sắng đồng tình với cuộc vận động độc lập của Việt Nam. Trong lúc nói chuyện, ông Curie tỏ ý rằng khoa học Pháp sẽ sẵn lòng giúp đỡ khoa học Việt Nam tiến bộ”.
Ngày 20-7-1953, trong bài viết “Đảng Lao Động Việt Nam lãnh đạo kháng chiến kiến quốc” của Bác (bút danh Đ.X), phân tích vai trò to lớn của Đảng nhưng quy lại một nguyên lý quan trọng là “Đảng viên và cán bộ phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu”.
Ngày 20-7-1956, Bác thăm và nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Phú Thọ “để đôn đốc thêm đồng bào và cán bộ tỉnh nhà quyết tâm làm cho vụ mùa năm nay thành một vụ mùa thắng lợi... Trong kháng chiến, đồng bào và cán bộ Phú Thọ đã có nhiều thành tích vẻ vang, đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Bắc nước ta. Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng hòa bình, đồng bào và cán bộ phải phát huy truyền thống anh dũng ấy, ra sức thi đua khắc phục mọi khó khăn, đảm bảo vụ mùa thắng lợi, hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước”. Thăm Nhà máy chè Phú Thọ do Liên Xô giúp đỡ xây dựng vừa khánh thành, Bác nhắc nhở cán bộ, công nhân viên “phải sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng quốc tế để xuất khẩu”.
Ngày 20-7-1954 là ngày ký kết Hiệp định Genève về đình chiến ở Đông Dương, nhưng hiệp định này đã bị Mỹ và tay sai phá hoại. Kể từ đó, ngày 20-7 trở thành “Ngày đấu tranh thống nhất Bắc-Nam”, Bác thường ra lời kêu gọi nhân dân cả nước. Kỷ niệm 11 năm ký kết Hiệp định, trong lời kêu gọi ngày 20-7-1965, Bác khẳng định ý chí của dân tộc Việt Nam “dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”.
Ngày 20-7-1968, trong lời kêu gọi, Bác khẳng định lập trường: “Nhân dân ta rất yêu hòa bình nhưng phải có độc lập, tự do thật sự thì mới có hòa bình chân chính... Cách duy nhất để lập lại hòa bình là quân Mỹ và quân chư hầu phải rút hết về nước. Nước Việt Nam của người Việt Nam!”.
Ngày 20-7-1969, vào thời điểm Tổng thống Mỹ L.B.Johnson gửi thư “kêu gọi hòa bình”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch trần âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh” kêu gọi cả nước “nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, triệu người như một quyết chiến quyết thắng đánh cho quân Mỹ phải rút sạch...”.
D.T.Q và nhóm cộng sự