Cách đây 87 năm, ngày 28-6-1922, mật thám Pháp chuyên theo dõi Nguyễn Ái Quốc tiếp tục ghi nhận mối quan hệ thường xuyên của đảng viên cộng sản thuộc địa này với các địa chỉ như các tờ báo cánh tả: “Bataille Syndicaliste”(Chiến trận Nghiệp đoàn), “L’Humanité” (Nhân Đạo), “Le Journal du Peuple”(Nhật báo Dân chúng) và trụ sở Đảng Cộng sản Pháp.
Ngày 28-6-1946, tại Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp một số chính khách Pháp và Đoàn đại biểu phụ nữ quốc tế. Đoàn đại biểu bày tỏ tình cảm với phụ nữ Việt Nam và thông báo Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế đã kết nạp Việt Nam làm thành viên chính thức. Người đứng đầu nhà nước Việt Nam cũng giới thiệu với các vị khách về những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam trong cuộc chiến đấu giành và bảo vệ nền độc lập cũng như gây dựng đời sống mới.
Ngày 28-6-1951, trong bài viết “Phòng gian, trừ gian” đăng trên Báo Cứu Quốc, Bác nhắc nhở: “Phòng gian phải đi đôi với giữ bí mật. Đó là hai việc quan trọng trong công cuộc kháng chiến”.
Ngày 28-6-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư gửi các chiến sĩ và cán bộ Liên khu V”, khen ngợi thành tích đánh giặc trên chiến trường phối hợp với chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và “thưởng cho tiểu đoàn X vừa thắng ở An Khê, Huân chương Kháng chiến hạng nhất. Bác khuyên dặn toàn thể chiến sĩ và cán bộ cần phải cố gắng nắm vững tình hình, thi đua giết giặc lập công, ra sức dân vận, ngụy vận. Chớ nên vì thắng mà kiêu, chủ quan khinh địch, ra sức tranh lấy thành tích to hơn nữa...”.
Ngày 28-6-1959, trước cuộc mít tinh của 20 vạn đồng bào thủ đô tại Quảng trường Ba Đình chào mừng Tổng thống Indonesia sang thăm Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ tình cảm của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Indonesia: “Nước xa mà lòng không xa/ Thật là bầu bạn, thật là anh em”. Với người đứng đầu nhà nước Indonesia, Bác chia sẻ quan điểm: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Khó khăn gì chúng ta cũng nhất định vượt được hết/ Kẻ thù nào chúng ta cũng đánh tan hết/ Thắng lợi to lớn gì chúng ta cũng tranh thủ được hết”.
Bác nhắc lại kỷ niệm: “Mùa xuân năm nay, lúc Bác sang thăm Indonesia, chẳng những gia đình Tổng thống từ bác gái cho đến các cháu coi Bác như một người anh em trong nhà mà cả Chính phủ, Quốc hội và tất cả nhân dân Indonesia cũng không xem bác là người khách mà xem Bác là người anh em bạn hữu thân thiết của Indonesia. Bác ở bên ấy mười ngày, đi tỉnh này qua tỉnh khác, hàng triệu nhân dân ra đón Bác, luôn luôn tỏ ra một tình thân rất nồng nhiệt. Tình ấy không chỉ tỏ cho Bác mà còn tỏ cho tất cả nhân dân Việt Nam...”.
Ngày 28-6-1966, trong bức điện chào mừng Hội nghị nhà văn Á-Phi họp ở Bắc Kinh (Trung Quốc), Bác khẳng định: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi hiểu rằng mình chiến đấu không những để bảo vệ độc lập tự do của mình mà còn để góp phần vào việc bảo vệ an ninh của phe xã hội chủ nghĩa, bảo vệ độc lập của các dân tộc khác và bảo vệ hòa bình thế giới”.
D.T.Q và nhóm cộng sự