Ngày 28 tháng 8: “Chính sách của Chính phủ trước sau như một”

Cách đây 67 năm, ngày 28-8-1942, từ Túc Vinh, lãnh tụ Hồ Chí Minh bị lính của Trung Hoa Quốc dân đảng áp giải và đưa đến giam trong nhà lao huyện Thiên Bảo.

Ngày 28-8-1945, tại ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều thời gian để soạn thảo văn kiện lịch sử “Tuyên ngôn Độc lập”. Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi: “Trong căn nhà nhỏ, thiếu ánh sáng của ngôi nhà sâu thẳm nằm giữa một trong ba mươi sáu phố phường cổ kính của Hà Nội, Bác ngồi làm việc, khi thì viết, khi thì đánh máy. Những người giúp việc trong gia đình không biết ông cụ có cặp mắt sáng, chiếc áo nâu bạc thường để hở khuy ngực, hay hút thuốc lá, ngồi cặm cụi đó làm gì. Mỗi lần họ tới hỏi cụ có cần gì, cụ quay lại mỉm cười, chuyện trò đôi câu. Lần nào cụ cũng nói không có gì cần phải giúp đỡ. Họ không biết mình đang chứng kiến những giờ phút lịch sử.

Một buổi sáng, Bác và anh Nhân (Trường Chinh) gọi anh em chúng tôi tới. Bản Tuyên ngôn lịch sử đã thảo xong. Bác đang đọc để thông qua tập thể. Như lời Bác nói lại sau này, đó là những giờ phút sảng khoái nhất của Người. Hai mươi sáu năm trước (1919), Bác tới Hội nghị hòa bình Versaille, nêu lên những yêu cầu cấp thiết về dân sinh, dân chủ cho những người dân thuộc địa. Cả những yêu cầu tối thiểu đó cũng không được bọn đế quốc mảy may chấp nhận. Người đã thấy rõ một sự thật là không thể trông chờ ở lòng bác ái của các nhà tư bản. Người biết chỉ còn trông cậy vào cuộc đấu tranh, vào lực lượng của bản thân dân tộc mình. Giờ phút này, Người đã thay mặt cho cả dân tộc, hái quả tám mươi năm đấu tranh. Bữa đó, chúng tôi đã nhìn thấy rõ niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt còn võ vàng của Người...”


Ngày 28-8-1946, tại Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục các cuộc vận động hành lang để cứu vãn sự bế tắc trong quan hệ Việt-Pháp, gặp gỡ nhiều chính khách như Bộ trưởng Tư pháp Teltgen, Bộ trưởng Canh nông Prégent, Bộ trưởng Giao thông Thương mại J.Moch...

Ngày 28-8-1947, trả lời Báo Độc Lập của Đảng Dân chủ về việc mở rộng Chính phủ, Bác nêu rõ quan điểm: “Chính sách của Chính phủ trước sau như một, vẫn là đại đoàn kết. Đối với các vị quan lại cũ cũng như đối với tất cả các giới đồng bào, những người có tài đức thì Chính phủ đều hoan nghênh ra gánh vác việc nước. Thí dụ, ngoài cụ Đặng Văn Hướng (một cựu thượng thư) còn nhiều cụ khác nữa như cụ Phạm Gia Thụy, cựu tổng đốc, cụ Phan Kế Toại, khâm sai đại thần, cụ phó bảng Bùi Kỷ đều rất tận tụy giúp việc kháng chiến... Trước sự đại đoàn kết của Chính phủ và quốc dân đồng bào, mưu mô chia rẽ của thực dân phản động Pháp nhất định thất bại”.

Ngày 28-8-1963, Bác dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo việc thực hiện kế hoạch nhà nước. Bác phát biểu: “Từ trước tới nay ta nói hay nói giỏi, nhưng làm thì thế nào?... Ta chủ trương thắt lưng buộc bụng, nhưng người thi hành đã có những biện pháp thiết thực như thế nào?”.

Ngày 28-8-1969, tình hình sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh có dấu hiệu rối loạn trầm trọng. Tuy vậy, mỗi lần tỉnh, Bác vẫn yêu cầu được nghe trả lời câu hỏi: “Miền Nam chiến sự thế nào?”. 

D.T.Q. và nhóm cộng sự

Tin cùng chuyên mục