Cách đây 61 năm, ngày 29-2-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự phiên họp đầu năm của Hội đồng Chính phủ. Nhật ký của Bộ trưởng Lê Văn Hiến thuật lại: “6 giờ (tối) đi dự Hội đồng Chính phủ. Gặp Hồ Chủ tịch và tất cả các vị đương vui vẻ ăn bữa cơm chiều. Bát tiết canh heo với một ít rượu của đồng bào Thổ, Mán tại đây nấu làm cho bữa cơm có tính cách đặc biệt của một cuộc họp hội đồng đầu năm của Chính phủ.
Hồ Chủ tịch và cụ Bùi (Bằng Đoàn) vì tiết trời thay đổi nên có vẻ mệt. Hồ Chủ tịch phải đi võng, lần đầu tiên từ ngày tác chiến, Cụ mệt. Phòng hội đồng có vẻ long trọng lắm. Phòng hội đồng nằm bên bàn thờ Tổ quốc. Chương trình nghị sự lần này thật nhiều là vì lần đầu năm cả một chương trình hoạt động của chính phủ đều phải thông qua…
Một điều đặc biệt là kỳ này, Hồ Chủ tịch trong khi báo cáo tình hình thế giới đã đọc cho hội đồng nghe một bản sưu tập tất cả tin tức quan trọng xảy ra trên thế giới mà có liên quan đến ta. Những tin tức này được lựa chọn một cách chu đáo và sắp đặt rất hợp lý để cho ai nấy nghe xong là có thể kết luận ngay một cách cụ thể về chánh sách đường lối chánh trị của ta trong lúc này. Thật là một bản báo cáo có giá trị về phương diện tuyên truyền và giải thích. Hôm nay hội đồng làm việc đến 2 giờ sáng...”.
Ngày 29-2-1952, Báo Nhân Dân đăng bài “Cần và Kiệm”, trong đó Bác phân tích: “Cần là thi đua sản xuất cho mau, cho tốt, cho nhiều. Kiệm là thi đua tiết kiệm, không lãng phí, quý trọng của công. Nếu chỉ Kiệm mà không Cần thì sản xuất được ít, không đủ dùng. Nếu Cần mà không Kiệm thì làm chừng nào, xào chừng ấy, kết quả là không lại hoàn không. Cho nên Cần và Kiệm như tay phải và tay trái. Hai tay không thể thiếu một”.
Ngày 29-2-1960, dự họp Hội nghị Bộ Chính trị bàn kế hoạch quân sự, Bác căn dặn: “Ta có phòng ngự nhưng phải chủ động tiến công, không được coi thường địch, phải nắm chắc kế hoạch hành động của địch trước”. Bác tiên liệu khả năng địch có thể tiến công từ biển, từ Lào, từ giới tuyến và từ trên không đối với miền Bắc cũng như đẩy mạnh các hoạt động phá hoại kinh tế và chính trị. Bác cũng “yêu cầu cân nhắc kỹ” khả năng địch đánh ra Khu IV thì ta có tiến vào Nam không? Về hậu phương, Bác nêu vấn đề phải thực hiện phương châm “toàn dân vi binh”, “làm cho dân có chí khí, không hoang mang trước mọi tình thế..., chú trọng tổ chức lực lượng cận vệ, nhẹ nhàng đối phó với mọi tình thế”. Tất cả cho thấy sự sáng suốt và khả năng tiên liệu của Bác vào thời điểm cuộc Đồng khởi ở miền Nam mới bắt đầu.
Cùng trong ngày hôm đó, Bác viết bài “Vì sao cần điều tra dân số?”, phân tích sự cần thiết phục vụ kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân và kêu gọi nhân dân “phải tự nguyện, tự giác, tích cực tham gia” cuộc điều tra dân số đầu tiên trên miền Bắc nước ta.
(*) Chỉ xảy ra trong những năm nhuần.
D.T.Q và nhóm cộng sự