Ngày 29 tháng 6 - “Dân ta rất tốt, bộ đội anh dũng…”

Cách đây 74 năm, ngày 29-6-1935,

Cách đây 74 năm, ngày 29-6-1935, báo cáo của Trưởng phòng Đông Dương Vera Vassilieva gửi Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, trình bày hoàn cảnh của Nguyễn Ái Quốc một năm sau khi thoát khỏi nhà tù của đế quốc Anh ở Hồng Công: “Tháng 6-1934, Nguyễn Ái Quốc đến Mátxcơva. Qua lời kể của đồng chí thì khó xác định được tại sao đồng chí lại dễ dàng ra khỏi nhà tù và thoát khỏi tay cảnh sát Pháp...

Đồng chí nói rằng chuyến đi này được tiến hành nhờ sự giúp đỡ của Vaillant Couturier (nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Pháp) trong thời gian ở Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng tất cả những việc này cần được kiểm chứng một cách thận trọng. Khi đồng chí đến đây, chúng tôi đã chuyển đồng chí tới Trường Lênin tại Mátxcơva, nơi đồng chí đang nghiên cứu...

Nhiều lần đồng chí đề xuất với tôi xem xét vấn đề và thảo luận việc thành lập mối liên lạc giữa các Đảng. Đồng chí kiên trì theo dõi những chuyến đi của học viên, họ đi đâu và với nhiệm vụ gì và rất đau khổ vì tại sao đồng chí không được tham gia vào việc này hay việc khác của công tác bí mật”.

Đây chính là thời kỳ Nguyễn Ái Quốc phải chịu một thử thách rất nặng nề và kéo dài để thể hiện tinh thần kiên định cách mạng ngay với các đồng chí của mình. Phải đến năm 1938, sau bức thư bí mật gởi qua Chu Ân Lai, lúc này đang chữa bệnh ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc mới tiếp xúc được với Manuinski, Ủy viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản và là người có nhiều cảm tình với người “đồng chí An Nam”. Nhờ đó mà Bác mới kết thúc được “năm thứ tám trong tình trạng không hoạt động” của mình và được tạo điều kiện về nước hoạt động.

Ngày 29-6-1946, tại Paris, trong cương vị là thượng khách của chính phủ Pháp, Bác tiếp cơm Đô đốc D’ Argenlieu để tranh thủ hòa bình với nhân vật “diều hâu” nhất trong chính giới Pháp. Buổi chiều, Chủ tịch tiếp nhiều đoàn thể thanh niên của Pháp và Đoàn đại biểu Hội Thanh niên Thế giới đến chào và thông báo đã kết nạp thanh niên Việt Nam vào tổ chức của mình.

“Nhật ký hành trình 4 tháng sang Pháp” ghi lại: “Trong lúc trò chuyện thân mật, có mấy thanh niên đề nghị cùng Chủ tịch: thanh niên và nhi đồng gọi Hồ Chủ tịch là Cha, vậy xin Hồ Chủ tịch nhận làm Bác cho thanh niên thế giới. Mọi người đều vỗ tay tán thành. Hồ Chủ tịch vui lòng nhận lời và chúc thanh niên đoàn kết hơn và sung sướng hơn những lớp người trước”.

Ngày 29-6-1959, tiễn đưa Đoàn đại biểu Chính phủ Cộng hòa Indonesia do Tổng thống Sukarno dẫn đầu kết thúc chuyến thăm hữu nghị nước ta, tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội) Bác Hồ quyến luyến đọc mấy vần thơ: “Nhớ nhung trong lúc chia tay/Tấm lòng lưu luyến cùng bay theo Người/Người về Tổ quốc xa khơi/Chúc Người thắng lợi, chúc Người bình an”.

Ngày 29-6-1960, Bác đến dự cuộc họp bàn về quy hoạch cải tạo và mở rộng Thủ đô Hà Nội và nhắc nhở quy hoạch phải toàn diện, thực hiện phải có kế hoạch và đặc biệt phải quan tâm đến điều kiện đi lại của dân.

Ngày 29-6-1968, tham dự cuộc họp của Bộ Chính trị nghe báo cáo tình hình chiến sự ở Trị - Thiên, Bác đánh giá: “Dân ta rất tốt, bộ đội ta anh dũng, cán bộ ta tận tụy” nhưng góp ý “báo cáo còn nói ít đến khuyết điểm”.

D.T.Q. và nhóm cộng sự

Tin cùng chuyên mục