Cách đây 77 năm, ngày 29-8-1932, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công”, mặc dù chưa đủ cơ sở luật pháp để trục xuất Tống Văn Sơ khỏi nhượng địa của Anh nhằm đẩy nhà cách mạng Việt Nam vào tay thực dân Pháp, nhưng Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Anh cũng không chấp nhận để Tống Văn Sơ được phép sang nước Anh, nơi mà Pháp không thể nào bắt được.
Ngày 29-8-1942, ngày đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh nhập nhà lao huyện Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với thời gian bị giam giữ tại đây kéo dài đến 24-9-1942. Trong khoảng thời gian này, Bác đã làm 22 bài thơ mà bài đầu tiên mang nội dung như một lời tuyên ngôn cho một tinh thần bất khuất và lạc quan: “Thân thể ở trong lao/Tinh thần ở ngoài lao/Muốn nên sự nghiệp lớn/Tinh thần càng phải cao”.
Ngày 29-8-1943, đúng một năm sau khi bị bắt giam vào nhà lao huyện Tĩnh Tây, sau một chặng đường dài đi qua nhiều nhà lao ở nhiều địa phương khác nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh bị giải từ Thiên Bảo lại trở về huyện lỵ Tĩnh Tây nhưng bị biệt giam hơn 2 tuần, ngày mang gông, đêm cùm chân.
Ngày 29-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời người đứng đầu Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ OSS, đại tá A.Patty, đến ngôi nhà 48 Hàng Ngang để trao đổi về dự thảo văn bản “Tuyên ngôn Độc lập” và dự kiến tổ chức lễ Tuyên ngôn Độc lập, việc quân đội Trung Hoa Quốc dân Đảng sẽ vào Đông Dương để giải giáp quân Nhật từ vĩ tuyến 18 trở lên, về “chương trình quốc hữu hóa” của Chính phủ Việt Nam đối với một số ngành kinh tế quan trọng.
Cùng ngày, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhờ Patty chuyển tới Tổng thống Mỹ Truman một bức điện với nội dung: “Để bảo đảm có kết quả cho vấn đề mà Ủy ban Liên tịch các nước Đồng minh có nhiệm vụ phải giải quyết ở Việt Nam, yêu cầu để cho phái đoàn Mỹ được làm một thành viên của ủy ban nói trên và đặt quan hệ với Chính phủ chúng tôi... Chúng tôi yêu cầu cho Chính phủ chúng tôi, chính quyền duy nhất hợp pháp ở Việt Nam, và là người duy nhất đã chiến đấu chống Nhật (hoạt động quân sự do Mặt trận Việt Minh và sĩ quan Mỹ tiến hành) có quyền đại diện trong ủy ban đó”.
Ngày 29-8-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục tăng cường gặp các chính khách Pháp như Bộ trưởng Giáo dục Nagelen, Bộ trưởng F.Gay, Bộ trưởng Xây dựng Francois Billoux và chủ bút tờ báo châm chích nổi tiếng “Le Canard Enchainé” (Con vịt bị trói).
Ngày 29-8-1952, Báo Cứu Quốc đăng bài “Sẵn tiền, sẵn lòng, tát biển Đông cũng cạn”, với bút danh ĐX, Bác nói lên tinh thần của nhân dân đối với công cuộc kháng chiến, kiến quốc và kết luận bằng 2 câu văn vần: “Nhân dân ta sẵn sức, sẵn của, sẵn lòng/Cán bộ tận tụy và trong sạch thì mười việc thành công cả mười”.
Ngày 29-8-1958, đóng góp ý kiến về kế hoạch mở rộng thủ đô tại cuộc họp của Bộ Chính trị, Bác nhắc nhở: “Mở rộng thành phố phải căn cứ vào thiên thời (mưa, gió, nắng...), địa lợi (địa chất, sông, hồ...) và nhân hòa (lợi ích của nhân dân, của Chính phủ). Công tác quy hoạch thành phố phải hợp lý, bảo đảm được cả về kinh tế, mỹ quan và quốc phòng, phải có kế hoạch vận động quần chúng tham gia, có ban phụ trách để chịu trách nhiệm, tránh lối làm đại khái, lãng phí”.
D.T.Q. và nhóm cộng sự