Cách đây 98 năm, ngày 8-6-1911, Tàu “Amiral Latouche Tréville” trên đó có thủy thủ Văn Ba ghé cảng Singapore trên hải trình qua Pháp.
Tháng 6-1923, Nguyễn Ái Quốc viết thư từ biệt các bạn cùng hoạt động trước khi bí mật rời Paris để đến nước Nga Xô-viết: “Bao lâu nay chúng ta làm việc với nhau, mặc dầu chúng ta là những người khác giống, khác nước, khác tôn giáo, chúng ta đã thân yêu nhau như anh em. Chúng ta cùng chịu chung một nỗi đau khổ: sự bạo ngược của chế độ thực dân. Chúng ta đấu tranh vì một lý tưởng chung: giải phóng đồng bào chúng ta và giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta... Chúng ta phải làm gì? Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành độc lập tự do... Tôi từ giã các bạn. Tôi xa các bạn, nhưng lòng tôi luôn gần các bạn”.
Ngày 8-6-1931, liên quan đến “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công”, Toàn quyền Đông Dương Robin gửi điện khẩn cho Bộ Thuộc địa yêu cầu can thiệp sớm để: “Những người cộng sản bị bắt sẽ được chuyển về Đông Dương trên một tàu thủy của Pháp để xét xử” và nếu không thì “vận động Bộ Ngoại giao Pháp thỏa thuận với Bộ Ngoại giao Anh giam giữ Nguyễn Ái Quốc, đại biểu chính thức của Quốc tế Cộng sản ở Viễn Đông và cộng sự của ông ta tại một nhượng địa xa nào đó”, đổi lại phía Pháp cũng làm như vậy với các đảng viên Đảng Cộng sản Ấn Độ hoặc Miến Điện thuộc Anh.
Tiếp tục hành trình sang thăm nước Pháp, ngày 8-6-1946, trong thời gian lưu lại ở Le Caire, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến chào vua Ai Cập và được đại diện nhà vua tiếp trọng thể vì vị quân vương đi vắng. Sau đó, Bác thăm Bảo tàng Ai Cập, các kim tự tháp và tượng Nhân sư. Cùng ngày, nhận được tin thực dân lập Chính phủ “Nam Kỳ tự trị” ở Sài Gòn, Chủ tịch Hồ Chí Minh chất vấn tướng Salan: “Tại sao không báo cho tôi biết tin này trước khi lên đường? Thật là một âm mưu phi pháp! Tướng quân này, các vị đừng biến Nam bộ thành một thứ Alsace-Lorenne (vùng đất của Pháp bị cắt cho Đức trong Đại chiến I) mới, nếu không chúng ta đi đến cuộc chiến tranh trăm năm đấy…”.
Ngày 8-6-1959, nói chuyện tại Hội nghị toàn Đảng bộ Khu Việt Bắc, Bác khẳng định: “Việt Bắc là “rừng vàng, núi bạc”. Rừng vàng vì rừng Việt Bắc có rất nhiều gỗ và lâm sản có thể đổi lấy nhiều máy móc, hàng hóa. Các địa phương phải chú ý bảo vệ rừng và trồng cây, gây thêm rừng. Núi bạc vì núi non Việt Bắc có nhiều quặng, có thể xây dựng công nghiệp để phát triển kinh tế...”. Cùng ngày, Bác đến thăm công trường xây dựng Khu gang thép Thái Nguyên.
Ngày 8-6-1967, nhân chiếc máy bay thứ 2.000 của Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc nước ta, Bác viết thư biểu dương các lực lượng vũ trang đã “Kiên quyết chiến đấu vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc mình, đồng thời góp phần tích cực vào sự nghiệp độc lập dân tộc và bảo vệ hòa bình thế giới”.
Ngày 8-6-1968, Bác thăm hỏi chị Trần Thị Lý, một chiến sĩ Nam bộ bị giặc tra tấn dã man ra miền Bắc chữa bệnh.
D.T.Q và nhóm cộng sự