Ngày 9 tháng 7: “Chẳng bom đạn nào sát hại được Bác đâu!”

Cách đây 88 năm, ngày 9-7-1921,

Cách đây 88 năm, ngày 9-7-1921, mật thám Pháp cho biết Nguyễn Ái Quốc tham dự cuộc họp của Ban Nghiên cứu Thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp mới được thành lập.

Ngày 9-7-1925, tại Quảng Châu, Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức do Nguyễn Ái Quốc và một số đồng chí Trung Quốc vận động, đã chính thức được thành lập, tập hợp nhiều thành viên quốc tế, với tôn chỉ “liên lạc với các dân tộc cùng làm cách mạng nhằm đánh đổ đế quốc”. Hội ra lời tuyên ngôn: “Con đường thoát duy nhất để xóa bỏ sự áp bức chỉ có thể là liên hiệp các dân tộc nhỏ yếu bị áp bức và giai cấp vô sản toàn thế giới áp dụng những phương pháp cách mạng để lật đổ về căn bản chủ nghĩa tư bản đế quốc cực kỳ hung ác”. Nguyễn Ái Quốc lúc này mang bí danh là Lý Thụy, được bầu làm bí thư kiêm phụ trách chi bộ Việt Nam của Hội Liên hiệp.

Đầu tháng 7-1928, Nguyễn Ái Quốc mang hộ chiếu với tính danh là “Nguyễn Lai”, trong vai một Hoa kiều nhập cảnh bến cảng Khoong-tơi (Bangkok), bắt đầu một thời gian hoạt động ở Thái Lan, đặc biệt là trong cộng đồng Việt kiều khá đông đảo ở vùng Đông Bắc của nước này. Đây cũng là thời điểm Nguyễn Ái Quốc có ý định tìm đường về nước nhưng điều kiện chưa cho phép.

Tháng 7-1945, sau khi xác lập được mối liên hệ với lực lượng Đồng minh, trực tiếp là đơn vị OSS (tình báo chiến lược của Mỹ) tại Côn Minh (Trung Quốc), lãnh tụ Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác chuẩn bị để đón các đơn vị hỗ trợ, nhảy dù xuống Chiến khu Việt Bắc. Bác đã trực tiếp đến xã Thanh La để chỉ đạo việc xây dựng sân bay dã chiến Lũng Cò, viết thư gửi thiếu tá A. Thomas, người sẽ chỉ huy đơn vị “Con Nai” trực tiếp phối hợp hành động với lực lượng của Việt Minh. Trong thư đánh giá: “Kế hoạch của Ngài về sự đầu hàng của Nhật (tối hậu thư, tấn công...) thật tuyệt vời. Tôi tin rằng nó sẽ đem lại kết quả rất tốt”.

Ngày 9-7-1946, tại Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp giám đốc các nhà máy điện và xi măng ở Đông Dương đến chào và trao đổi về việc người Pháp sẽ làm ăn trên đất nước Việt Nam độc lập.

Ngày 9-7-1964, Bác đi thăm đê Khuyến Lương và kiểm tra công tác chuẩn bị chống bão lụt, hộ đê của địa phương, gặp gỡ động viên nhân dân địa phương và nhắc nhở các cấp chính quyền về công tác quan trọng và thường xuyên này.

Tháng 7-1967, nhà ngoại giao Mai Văn Bộ, đại diện Chính phủ ta tại Pháp, về nước đến chào Bác và báo cáo tình hình nước Pháp. Trong câu chuyện, Bác bày tỏ những tình cảm tốt đẹp đối với thành phố Paris nơi Bác đã từng sống một thời trai trẻ sôi nổi. Hồi ức của Mai Văn Bộ thuật lại là giữa lúc đó có còi báo động máy bay Mỹ, mọi người phải khẩn trương ra hầm trú ẩn. Bác đã nhẹ nhàng đẩy ông đi trước và nói: “Chú còn trẻ, chú vào hầm trước đi. Bác đã già rồi, chẳng bom đạn đế quốc nào sát hại được Bác đâu”.

Ngày 9-7-1968, theo dõi sát sao cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Paris, Bác phát biểu tại phiên họp của Bộ Chính trị, nhắc nhở: “Cần nghiên cứu kỹ xem ở Hội nghị Paris địch được cái gì, mất cái gì? Ta được gì, thiệt gì?”

D.T.Q và nhóm cộng sự

Tin cùng chuyên mục