Nói tới sân khấu thành phố sau năm 1975 thì thời hoàng kim vào khoảng hai thập niên 80, 90. Lúc đó khán giả xếp hàng rồng rắn để mua vé vào xem những vở cải lương như Thái hậu Dương Vân Nga, Bên cầu dệt lụa, Chuyện cổ Bát Tràng, Nàng Xê-đa…
Kịch thì có Xa thành phố yêu dấu, Cô gái lái xe và chiếc bình cổ, Dư luận quần chúng, Chuyện bây giờ mới kể… Vào cái thời khó khăn đó, sân khấu là loại hình giải trí yêu thích, phù hợp túi tiền. Đến với sân khấu, khán giả được thỏa mãn cảm xúc, được cười, được khóc, được hồi hộp… theo từng nội dung của vở diễn. Đặc biệt, hệ thống rạp thuở ấy thì bao la, khán giả quận nào cũng có sân khấu yêu thích của riêng mình mà không cần phải lặn lội đi xa, nào là Hưng Đạo, Kim Châu, Lao Động A - B, Thủ Đô, Hào Huê, Cao Đồng Hưng… Nhờ sân khấu cực thịnh nên nghệ sĩ yên tâm làm nghề, không phải lo miếng cơm manh áo, chỉ tập trung hết mình vào ca diễn. Khi sân khấu cực thịnh thì nghề tác giả cũng “lên đời”. Kịch bản nào viết ra cũng được các đoàn cải lương Sài Gòn 1, Sài Gòn 2, Thanh Nga, Hương Mùa Thu, Trung Hiếu… chọn dàn dựng. Nhớ quá khứ, hoài vọng thời hoàng kim, nhiều tác giả, nghệ sĩ, mỗi khi nhắc lại chuyện ngày xưa ánh mắt đều đong đầy tiếc nuối…
Bây giờ, người làm nghề ai cũng than sân khấu sao “xuống” quá. Tác giả kịch bản đa số viết cho truyền hình. Nghệ sĩ cải lương chạy show tứ tung, đi diễn tỉnh, hát cho đình, chùa hoặc lấn sân sang phim. Diễn viên kịch nói diễn chỉ để thỏa mãn đam mê, còn sống là nhờ đóng phim, tham gia các chương trình truyền hình… Tất cả đã khiến sân khấu lâm vào cảnh “chợ chiều”. Nhiều ông, bà “bầu” than nếu cầm cự không nổi nữa thì đóng cửa vì không thể gồng gánh thua lỗ mãi. Sân khấu Hoàng Thái Thanh từ khi chuyển về điểm diễn mới ở quận 10 thì mất hết 50% khán giả, sân khấu Nụ Cười Mới nếu không có nghệ sĩ Hoài Linh làm trụ cột chắc cũng đóng cửa từ lâu, sân khấu Sao Minh Béo thu vẫn chưa đủ bù chi… Riêng Nhà hát Kịch TPHCM - sân khấu kịch được bao cấp duy nhất của TP phải hợp tác với Công ty Nghệ thuật Sen Việt của đạo diễn Lê Nguyên Đạt mới có thể sáng đèn thường xuyên. Sân khấu 5B - Võ Văn Tần đang tạm ngưng hoạt động chờ nâng cấp. Có lẽ chỉ còn sân khấu IDECAF là “bình tĩnh” trong sự hồi hộp, bởi có khi “cháy” vé nhưng cũng có lúc vắng hoe.
Phải chăng sân khấu bây giờ dở hơn ngày ấy hay khán giả ngày xưa yêu sân khấu hơn bây giờ? Dĩ nhiên là không phải. Ngày ấy họ đến với sân khấu chỉ vì thời đó còn quá ít loại hình giải trí, còn hiện nay, thị trường giải trí có đầy những cụm rạp chiếu phim 3D, 4D hiện đại. Giờ không thích ra khỏi nhà thì chỉ cần một cái điện thoại thông minh là có thể đi vòng quanh thế giới. Cách đơn giản và truyền thống nhất là xem tivi với cả 60 kênh và hơn thế nữa, đầy những chuyên mục, đủ các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, phục vụ khán giả 24/24 giờ.
Thực tế vẫn còn nhiều khán giả tiếp tục đến với sân khấu, yêu sân khấu và vẫn còn những ông, bà “bầu” luôn “cháy” đến tận cùng với nghiệp để tạo dựng nên một nền sân khấu xã hội hóa mạnh mẽ, năng động. Thế nhưng, các cơ quan hữu trách hình như đang bỏ mặc sân khấu. Rạp Hưng Đạo - Nhà hát Trần Hữu Trang vừa được xây mới sau nhiều năm mòn mỏi chờ đợi lại không sử dụng được bởi thiết kế không phù hợp. Đa phần các ông, bà “bầu” đầu tư vào sân khấu đều phải đi thuê rạp từ nhà văn hóa, nhà thiếu nhi, nên chuyện bị hét giá trên trời là thường tình. Ai có gan thì bấm bụng ký hợp đồng, nhưng khi thấy phía sân khấu “ăn nên làm ra” thì bên cho thuê lại tìm cách nâng giá, dù thực tiễn, có không ít sân khấu chẳng mấy khi mới có tổ chức các hoạt động.
Vậy là sân khấu xã hội hóa cứ phải tự bơi trong dòng xoáy nghiệt ngã của thị trường giải trí để giành giật từng khán giả đến với mình mà không thấy sự quan tâm đãi ngộ nào từ nhà quản lý văn hóa. So sánh thử, trong khi mấy chục năm qua, sân khấu bao cấp ở ngoài Bắc đều được nhà nước cấp cho kinh phí hoạt động từ vài tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng, sân khấu TPHCM lại eo sèo. Không ít vở kịch mang danh hàn lâm lại không bán được vé, còn kịch thị trường lại thu hút khán giả hơn. Từ đây, lại có chất vấn: Vậy dòng kịch nào mới đại diện chính thức cho sân khấu Việt Nam? Nói rộng ra như thế để thấy, cần thiết phải đầu tư đúng chỗ để đem lại hiệu quả cho nghệ thuật sân khấu.
VƯƠNG HUYỀN CƠ