Ngày của mẹ hàng năm tại nhiều nước như Bỉ, Đức, Đan Mạch, Phần Lan, Ý, Hà Lan, Áo, Thụy Sĩ, Australia, Canada... được ấn định vào chủ nhật thứ hai của tháng 5.
Ở nhiều nước châu Âu, làm mẹ được coi là một nghề. Như khá nhiều phụ nữ Việt theo chồng định cư ở châu Âu, tôi không vội tìm việc làm mà ở nhà chăm con cho đến tuổi đi mẫu giáo. Vì thế, cầm trên tay hơn 300 EUR do bảo hiểm trả vì “thành tích” cho con bú đến 6 tháng tuổi, lòng vui chẳng khác nào được lãnh tháng lương đầu tiên của nghề làm mẹ.
Còn cô bạn tôi, Minh Thu lại khác. Cô phải sớm cai sữa con, đem các con gửi nhà trẻ để cùng chồng quản lý một cửa hàng thực phẩm đông khách gần thành phố Antwerpen. Chọn cách vừa làm mẹ vừa đi làm, Thu không được bảo hiểm “thưởng” 300 EUR như tôi nhưng lại “gánh” giúp phần lớn chi phí gửi trẻ hàng tháng.
Minh Thu hạnh phúc trong lễ rửa tội cho con gái.
Chọn đúng Ngày của mẹ (10-5-2015), vợ chồng Minh Thu và Jean cùng một cặp chồng Bỉ - vợ Việt khác chung nhau thuê địa điểm, thuê linh mục đến làm lễ rửa tội cho con. Cũng đúng dịp tháng 5 này, 2 năm trước, tôi từng dự lễ rửa tội cho một con gái khác của Thu và Jean. Những gia đình gốc Việt không theo đạo ở châu Âu vẫn làm lễ rửa tội hoặc lễ trưởng thành cho con cái, không nhất thiết phải diễn ra trong nhà thờ. Một mini resort sang trọng do người gốc Việt làm chủ được vợ chồng Thu - Jean chọn làm nơi mời linh mục tới tổ chức lễ rửa tội cho bé Elisa.
Trước sự chứng kiến của cha mẹ đẻ, cha mẹ đỡ đầu cùng họ hàng, bạn bè thân thiết, cô bé Elisa 6 tháng tuổi như thiên thần nằm trong nôi, được linh mục xức dầu thánh lên đỉnh đầu và rảy nước lên trán. Ngày của mẹ năm nay, đến lượt em gái của Elisa là bé Amelia được nằm trong nôi để linh mục xức dầu thánh. Cha đọc những lời yêu thương dành cho con bằng tiếng Hà Lan, mẹ trao gửi yêu thương bằng tiếng Việt, ngay cả linh mục đến làm lễ cũng vui vẻ tập phát âm vài từ tiếng Việt khiến không khí trở nên vừa cảm động vừa gần gũi với những người gốc Việt đến dự như tôi.
Cho đến nay, châu Âu vẫn là cái nôi của các phong trào nữ quyền. Song câu chuyện giải phóng phụ nữ, cụ thể những người chọn thêm nghề “làm mẹ” vẫn không hề dễ dàng. Cách đây 5 năm, một tuần trước Ngày của mẹ, cặp sách bọn trẻ nhà tôi mang về nhà thường có thêm phong thư “Hãy để mẹ được ngủ muộn hơn một chút. Hãy để mẹ không phải đứng bếp trong vài phút. Chúng tôi sẽ giao tận nhà bữa sáng gồm bánh sừng bò, sữa tươi, nước ép trái cây...”. Nhưng 2 năm nay chẳng thấy dịch vụ này nữa. Bởi chính các bà mẹ ngại chi tiền để được nhàn nhã chứ không phải các ông bố thiếu thiện chí.
Nhưng vẫn phải tự mang lại hạnh phúc cho mình theo nhiều cách khác nữa, nhất là phụ nữ Việt sống xa xứ. Phương Linh - một người bạn của tôi ở Munich (Đức) thường đưa con gái đi xem phim, nghe hòa nhạc, xem opera vào Ngày của mẹ. Cô muốn mình và con gái có chung cách hưởng thụ văn hóa gần gũi người Âu: “Phần lớn người Việt xa xứ quanh năm làm việc vất vả nuôi gia đình và có khi phải gánh tài chính cho cả dòng họ ở quê nhà. Hiếm ai dám bỏ tiền, bỏ thời gian đi xem phim, nghe hòa nhạc, opera thư giãn và mở mang đầu óc. Nhưng phải đi xem mới biết bên cạnh giá vé ghế ngồi khoảng 100 EUR/người, nhà hát còn bán vé đứng chỉ 10 - 12 EUR/người và vẫn bố trí băng ghế dài phía sau nếu mỏi chân. Loại vé đứng này thực ra rất hợp người Việt vì người Âu thường cao to, mình ngồi sau họ khó thấy rõ sân khấu”.
Bắt đầu từ Ngày của mẹ năm nay, nhóm bạn tôi ở Bỉ gồm những phụ nữ gốc Singapore, Việt Nam, Đài Loan... cũng quyết tâm dành riêng một ngày ra ngoài ăn uống, mua sắm thoải mái bởi các ông chồng đều tình nguyện ở nhà trông con. Và tôi hứa với bản thân sẽ chi tiêu thoải mái món tiền hơn 300 EUR vừa kiếm được kể trên!
KIỀU BÍCH HƯƠNG (từ Bỉ)