Phiên giao dịch chứng khoán ngày 5-3, ngày đầu tiên kéo dài thời gian giao dịch sang buổi chiều mang lại nhiều hào hứng cho nhà đầu tư. Kết thúc phiên giao dịch ngày 5-3 vào buổi chiều với Vn-Index tăng 17,61 điểm, tương đương 4,01%, đóng cửa tại 457,21 điểm. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt gần 2.500 tỷ đồng.
Tranh mua
Phiên giao dịch tại 2 sàn HoSE và HNX sáng ngày 5-3 được mở cửa trễ hơn 30 phút, bắt đầu từ 9 giờ thay vì 8 giờ 30 như trước đây và giao dịch khớp lệnh kéo dài sang buổi chiều vào khoảng 13 giờ - 14 giờ (sàn HoSE) và từ 13 giờ - 14 giờ 15 (sàn HNX). Ghi nhận tại các sàn chứng khoán tại TPHCM, các nhà đầu tư đã ngồi kín sàn trước giờ giao dịch.
Phiên mở cửa trễ hơn 30 phút nhưng ngay khi mở cửa thì lực mua rất mạnh vì nhà đầu tư đặt lệnh mua ồ ạt. Ngay từ đợt khớp lệnh đầu tiên, thị trường đã có dấu hiệu tăng nóng vì bên nắm giữ cổ phiếu không bán trong khi bên mua lại ào ạt đặt lệnh mua với giá cao để cố mua được hàng.
Lực cầu không chỉ đổ mạnh vào các mã thuộc nhóm VN 30 mà các nhà đầu tư bắt đầu mua các cổ phiếu nhỏ đã làm cho hàng loạt cổ phiếu từ đứng yên sang tăng nhẹ, từ tăng nhẹ chuyển sang tăng trần. Sắc xanh đã chiếm toàn bộ bản điện tử trong phiên giao dịch buổi sáng.
Đóng cửa giao dịch buổi sáng, trên cả hai sàn giao dịch có đến 605/653 mã tăng giá, 23 mã đứng và chỉ 25 mã giảm. VN Index chốt ở mức 458,05 điểm với số điểm tăng là 18,45 điểm, tương đương 4,2%. Giá trị giao dịch tại HOSE trong phiên giao dịch buổi sáng đạt 1.678 tỷ đồng, tương đương 86,7 triệu CP được chuyển nhượng. HNX Index cũng bật lên mạnh mẽ trong phiên giao dịch sáng nay với mức tăng đạt 5,54%, tương đương 3,97 điểm lên mức 75,69 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch buổi sáng với tâm trạng hứng khởi của các nhà đầu tư. Phiên giao dịch buổi chiều bắt đầu từ 13 giờ vẫn diễn ra tình trạng bên bán tiếp tục giữ hàng, chỉ bán ra nhỏ giọt còn bên mua vẫn tranh mua với giá tăng cao, đặc biệt có hiện tượng tranh nhau “gom hàng” ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. 29/30 mã cổ phiếu thuộc nhóm VN30 đều tăng điểm, mã còn lại quay lại mức tham chiếu. Những cổ phiếu thanh khoản cao trong phiên sáng được đà tiếp tục giao dịch sôi động trong phiên chiều.
Giao dịch phiên buổi chiều với thời gian 1 giờ 15 phút đã đóng góp thêm gần 400 tỷ đồng cho cả 2 sàn. Chốt phiên giao dịch ngày 5-3, VN Index ghi được thêm 17,61 điểm, tương đương 4,01% lên 457,21 điểm. Toàn sàn HOSE có 287 mã tăng so với 5 mã đứng giá và 16 mã giảm. VN30 Index cũng chốt phiên ngày 5-3 với 21,4 điểm, tương đương với tăng thêm 4,25% lên mức 524,94 điểm.
Sở dĩ VN Index đã yếu đi ở cuối phiên giao dịch buổi chiều là do một vài mã trong nhóm VN30 không giữ được đà tăng trần và trong đó có mã MSN không cầm cự được đã trở về mức tham chiếu vì áp lực chốt lời của nhà đầu tư.
Ngược với VN Index, HNX Index lại tiếp tục được đầy lên với kết thúc phiên buổi chiều tăng 4,06 điểm, tương đương 5,66% lên mức 75,78 điểm. Toàn sàn HNX có 353 mã tăng so với 16 mã giảm và 6 mã đứng giá tham chiếu. Mặc dù có số điểm tăng nhưng thanh khoản trên sàn HNX lại sụt giảm. Tổng giá trị giao dịch của sàn HNX trong phiên ngày 5-3 đạt chưa đầy 480 tỷ đồng, tương đương 40 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng.
Không nên đua theo mọi giá
Theo một nhà phân tích thị trường, từ trước đến nay, sàn HNX chưa lúc nào có quá 300 mã tăng trần trong một phiên trong khi ngày 5-3 có đến 310 mã cổ phiếu tăng trần tại HNX vì phiên tăng nhiều nhất tại HNX vào ngày 30-8-2010 cũng chỉ có 244 mã tăng kịch trần. Số lượng của HSX ngày 5-3 với 249 mã tăng kịch trần cũng là kỷ lục vì phiên ngày 30-8-2010 cũng chỉ có 195 mã tăng kịch trần.
Theo các nhà đầu tư, cổ phiếu tăng trần hàng loạt nghĩa là số đông tin tưởng vào một xu hướng tăng giá cao hơn nữa. Chính vì thế họ chấp nhận mua trần hôm nay nhưng giá chắc chắn vẫn còn thấp so với thời gian tới.
Theo nhận định của các sàn giao dịch, thị trường chứng khoán thời gian gần đây và đặc biệt là sự “bùng nổ” của thị trường ngày 5-3 có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó chủ yếu do sự “ép phê” của hàng loạt các động thái “cứu” thị trường chứng khoán vào thời gian qua của Chính phủ.
Các nhà đầu tư cũng cho rằng họ rất có niềm tin khi Chính phủ và các cơ quan chức năng đã thật sự quan tâm đến thị trường chứng khoán và có những hành động cụ thể để “vực” thị trường dậy.
Nhung Nguyễn