Ngày đầu tiên thi ĐH 2009, đợt 1: Đề hay

Trưa 5-7, Mời xem gợi ý giải đề thi môn Hóa trên SGGP 12 Giờ

Trưa 5-7, Mời xem gợi ý giải đề thi môn Hóa trên SGGP 12 Giờ

Báo SGGP mời quý vị phụ huynh, thí sinh  đón xem gợi ý giải đề các môn thi ĐH (khối A) năm 2009, đợt 1 trên Báo SGGP 12 Giờ và SGGP Online.

Trưa 5-7, Báo SGGP 12 Giờ sẽ đăng gợi ý giải đề môn Hóa (khối A) ngay sau giờ làm bài. Gợi ý bài giải sẽ do các chuyên gia giáo dục uy tín và nhiều kinh nghiệm thực hiện.

Đáp án chính thức của Bộ GD-ĐT sẽ được SGGP Online cập nhật ngay khi kết thúc môn thi cuối cùng của đợt 1.

Sáng 5-7, thí sinh (TS) thi đại học (ĐH) đợt 1 trên toàn quốc bước vào thi môn Hóa bằng phương pháp thi trắc nghiệm với thời gian làm bài 90 phút. Đây là môn thi cuối cùng của khối A. Cho đến cuối giờ chiều 4-7, kết thúc ngày thi đầu tiên của đợt 1, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: đề thi Toán và Lý đảm bảo an toàn, bí mật tuyệt đối.

Theo thống kê chung của Bộ  GD-ĐT, cả nước có trên  600.000 TS đến thi môn Toán, đạt 68,61% tổng số hồ sơ đăng ký dự thi. Môn thứ 2, gần 14.000 TS bỏ thi.

Ngày thi đầu tiên, có 71 TS vi phạm quy chế thi, trong đó 15 khiển trách, 2 cảnh cáo và 54 bị đình chỉ (năm 2008, ngày thi đầu tiên có 79 TS vi phạm). Có 4 giám thị vi phạm (2 khiển trách và 2 đình chỉ do ký nhầm vào phần chấm thi, và làm việc riêng khi coi thi, đều ở môn Lý). Một điều dễ nhận thấy là dù đã được phổ biến quy chế rất rõ, nhưng nhiều TS vẫn bị đình chỉ thi với những lỗi “quen thuộc”: mang điện thoại di động (dù không mở); tài liệu vào phòng thi…

TPHCM: Nhiều thí sinh bỏ thi vì kẹt xe

Sáng 4-7, tại khu vực Thủ Đức, tình trạng ùn tắc giao thông tiếp tục tái diễn khiến nhiều TS đi trễ phải bỏ thi. Từ 6 giờ đến 7 giờ, tuyến xa lộ Hà Nội, đoạn ngã ba Cát Lái và ngã tư Bình Thái kẹt xe kéo dài. Nghiêm trọng nhất là hai điểm tại ngã ba Cát Lái và đoạn đường trước Nhà máy Xi măng Hà Tiên 1, nhiều xe tải, xe buýt nối đuôi nhau… đứng tại chỗ. Nguyên do là hai phần đường song hành của đoạn đường này đang lập rào chắn thi công nên tất cả các phương tiện phải cùng lưu thông chung vào phần đường xe ô tô.

Nhiều phụ huynh chở con sợ trễ giờ phải luồn lách, thậm chí chạy lên cả phần đường đang đổ đá thi công. Vì kẹt xe, nhiều TS đi trên các tuyến xe buýt số 6 và 150 đã trễ giờ thi đến hơn 30 phút... chỉ biết nhìn cổng trường thi rơi nước mắt.

Tại khu vực trung tâm, những tuyến đường tập trung các điểm thi, hội đồng thi ĐH diễn ra tình hình kẹt xe, ùn tắc giao thông nhiều hơn. Tại khu vực điểm thi THPT Nguyễn Thượng Hiền (Tân Bình), tuy chưa đến giờ thi nhưng đoạn đường CMT8 gần ngã tư Bảy Hiền kẹt xe gần nửa tiếng do lưu lượng xe buổi sáng đông và đoạn đường lại có đến 2, 3 rào chắn thi công.

Tuy chưa có con số thống kê cụ thể là có bao nhiêu TS phải bỏ thi vì kẹt xe, nhưng theo một số hội đồng thi, chưa năm nào TS bị trễ thi nhiều như năm nay.

Hội đồng thi ĐH Nông Lâm TPHCM có 3 TS đi trễ đến 30 phút, Khoa Kinh tế (ĐH Quốc gia TPHCM) 2 trường hợp trễ 20 phút. Nhiều phụ huynh vì sơ kẹt xe đã phải đi từ 4 giờ sáng. Ông Vũ Văn Thanh (Nguyễn Ngọc Cung, P15, Q8) phải xuất phát từ 4 giờ sáng nhưng gần 7 giờ mới tới được điểm thi Trường ĐH Nông Lâm. “Chỉ có vài chục km nhưng phải đi hơn hai tiếng đồng hồ mới tới nơi. Cũng may là cha con tôi đến kịp giờ thi” – ông Thanh nói.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, PGĐ ĐHQG TPHCM bức xúc: Từ 3 giờ sáng, đoạn đường xa lộ Hà Nội và khu vực Thủ Đức đã bị kẹt xe, gây khó khăn cho việc chuyển đề thi từ Trung tâm sao in đề thi ĐHQG TPHCM  đến hội đồng thi của các trường.

Hà Nội: Nhiều thí sinh phải cấp cứu

Ngày thi đầu tiên, dù thời tiết dễ chịu nhưng do áp lực thi cử, ở các điểm thi Hà Nội có khá nhiều TS bị hạ đường huyết, phải nhờ đến sự can thiệp của y tế. Cụ thể, Tại Trường ĐH Hà Nội, có tới 6 TS bị hạ đường huyết, phải dừng thi để xuống cấp cứu tại phòng y tế. Tại Trường ĐH Thủy lợi, có 2 TS phải dừng thi môn Toán một lúc vì đau bụng. Tại ĐH Công đoàn, trong buổi thi Toán có 2 TS bị ốm bất thường phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, trong đó 1 trường hợp bị ốm từ trước nhưng vẫn cố gắng đi thi.

Khi làm được 2/3 thời gian thì có biểu hiện sốt cao nên đã được đưa tới bệnh viện kịp thời, trường hợp còn lại bị đau dạ dày, phải cấp cứu, có công an giám sát, buổi chiều TS này vẫn được dự thi bình thường.

Trường đã thu toàn bộ đề thi, giấy thi, giấy nháp trước khi TS ra khỏi phòng, có lực lượng an ninh theo các em tới bệnh viện để đảm bảo tính bảo mật của kỳ thi. Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng có 1 TS xin về trước vì quá mệt...

NHÓM PV 

  • Đề Toán: Sẽ có ít em đạt điểm tối đa

Đề tuyển sinh đại học khối A năm 2009 nhìn chung đã đạt được tiêu chí của Bộ GD-ĐT là “đề không quá khó, không mang tính đánh đố, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 và phân loại được năng lực TS”.

Đề Toán năm nay khá hay, bằng những kiến thức cơ bản, quen thuộc. Ban đề thi đã đưa ra các bài toán rải đều ở các mức độ từ dễ đến khó nên đề sẽ phân loại tốt năng lực của TS. Phần dễ và dễ vừa của đề thi gồm các câu I, III, VIa.2, VIIa, VIb.2, VIIb. Học sinh có học lực trung bình khá, vững căn bản, làm bài cẩn thận sẽ dễ dàng đạt được 5 điểm ở phần này.

Mức độ khó hơn (4 điểm) có các câu II, IV, VIa.1, VIb.1. Để làm tốt phần này TS phải có học lực khá đến giỏi, có quá trình ôn luyện đúng mức, thuần thục các kỹ năng giải toán như đặt ẩn phụ (các câu II.2, VIa.1, VIb.1) hay phân tích thành thừa số (câu II.1). Câu V tương đối khó, các học sinh giỏi và quen thuộc với dạng toán này mới có thể vượt qua.

Th.S Ngô Thiện (Trưởng khoa Khoa học - Giám đốc TTBDKT Trường Đại học Nông Lâm TPHCM)

Cấu trúc đề thi ĐH năm 2009 giống như cấu trúc đề của bộ đã ban hành, tuy nhiên đề năm nay khó hơn đề năm 2008. Do đó, tỷ lệ TS đạt điểm trên trung bình sẽ thấp hơn năm trước. Phần lớn các câu hỏi đều đòi hỏi các em phải nắm vững kiến thức và có kỹ năng tính toán tốt. Đặc biệt câu V là câu rất khó, chỉ những TS thật sự giỏi mới có thể giải được, vì vậy sẽ có rất ít em đạt điểm tối đa.

Nội dung đề thi khoảng 70% thuộc chương trình lớp 12. Nhìn chung đề năm nay khá hay, có tính phân loại cao và tạo được sự công bằng cho TS học các chương trình khác nhau (chương trình chỉnh lý hợp nhất, chương trình phân ban thí điểm, chương trình chuẩn và chương trình nâng cao). Không có sự chênh lệch về mức độ khó dễ ở phần riêng, giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao.

Th.S Phạm Hồng Danh (Đại học Kinh tế TPHCM)
 

  • Đề Lý: Đề dài, đa số TS không làm hết bài

Đề thi có 19 câu lý thuyết trên tổng số 50 câu, nên phần lý thuyết chiếm 38%. Nhìn chung các câu hỏi trải đều trong toàn bộ chương trình Vật lý lớp 12.

Nội dung các câu hỏi đều nằm trong chương trình lớp 12 cơ bản và nâng cao. Đề thi phần lớn tập trung ở mức kiến thức cơ bản. Mức độ câu hỏi khó để phân loại học sinh không nhiều. Tuy nhiên, đề thi khá dài nên đa số TS không làm bài trọn vẹn. Đề thi năm nay khó hơn đề thi năm trước, dự đoán tỷ lệ TS đạt điểm trung bình năm nay ít hơn năm trước.

Giảng viên Nguyễn Hữu Lộc (ĐH Kinh tế TPHCM) 


Liệt nửa người và mù một mắt vẫn dự thi đại học

Đó là trường hợp của thí sinh Trần Việt Thắng, ngụ thôn Lâm Tuyền, thị trấn Dran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, thi chuyên ngành công nghệ thông tin, tại phòng thi số 099 thuộc Trung tâm thi Đại học Đà Lạt, vào sáng 4-7.

Thắng được bố mẹ đưa đến địa điểm thi trong tình trạng tay trái còn băng bó, chân trái không cử động được và mắt phải không nhìn thấy sau hơn 1 năm bị chấn thương nặng do tai nạn giao thông.

Lực lượng bảo vệ thi phải đón Trần Việt Thắng từ cổng trường và đưa vào tận phòng thi. Sau khi thi xong môn đầu tiên, Thắng và bố mẹ đã được lãnh đạo nhà trường tạo điều kiện ăn, nghỉ tại chỗ, chuẩn bị cho môn thi tiếp theo.

TTXVN

 >>Gợi ý giải đề thi môn Toán 

>> Gợi ý giải đề thi môn Vật lý

(Trung tâm bồi dưỡng văn hóa và luyện thi Vĩnh Viễn)

Ngày đầu tiên thi ĐH 2009, đợt 1: Đề hay ảnh 1

Sau đây là chùm ảnh PV SGGP ghi tại Hà Nội và TPHCM

Tại Hà Nội:

Niềm vui của một thí sinh sau ngày thi môn đầu tiên.

Niềm vui của một thí sinh sau ngày thi môn đầu tiên.

Chưa về vội, xem lại bài giải cái đã.

Chưa về vội, xem lại bài giải cái đã.

Ảnh: Minh Điền

Tại Thành phố  Hồ Chí Minh:

Các thí sinh có mặt rất sớm, hầu như các thí sinh không trò chuyện với nhau và tranh thủ nghỉ ngơi chờ vào phòng thi

Các thí sinh có mặt rất sớm, hầu như các thí sinh không trò chuyện với nhau và tranh thủ nghỉ ngơi chờ vào phòng thi

Đề thi còn nguyên dấu niêm phong

Đề thi còn nguyên dấu niêm phong

Với chất lượng giáo dục khá đồng đều trong toàn quốc, kỳ thi đại học cao đẳng là một thử thách rất lớn. Thí sinh khá căng thẳng ngay cả khi đã nhận giấy làm bài

Với chất lượng giáo dục khá đồng đều trong toàn quốc, kỳ thi đại học cao đẳng là một thử thách rất lớn. Thí sinh khá căng thẳng ngay cả khi đã nhận giấy làm bài

Trong một phòng thi...

Trong một phòng thi...

Cảnh kẹt xe trên đường Nguyễn Văn Cừ (trước cổng Trường Đại học Khoa học tự nhiên).
Cảnh kẹt xe trên đường Nguyễn Văn Cừ (trước cổng Trường Đại học Khoa học tự nhiên).
Phụ huynh chờ đón thí sinh tại địa điểm thi Đại học Sài Gòn

Phụ huynh chờ đón thí sinh tại địa điểm thi Đại học Sài Gòn

Kỳ thi ĐH- CĐ là cơ hội để...tiếp thị. Các tờ rơi quảng cáo, tiếp thị các dịch vụ chỗ trọ, mua sắm, học ngoại ngữ, dạy đàn ghi ta, khiêu vũ...phấp phới khắp cổng các địa điểm thi.

Kỳ thi ĐH- CĐ là cơ hội để...tiếp thị. Các tờ rơi quảng cáo, tiếp thị các dịch vụ chỗ trọ, mua sắm, học ngoại ngữ, dạy đàn ghi ta, khiêu vũ...phấp phới khắp cổng các địa điểm thi.

Ảnh: Nguyễn Anh

Tin cùng chuyên mục