Ngày đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp ở ĐBSCL: Bộ máy hoạt động trơn tru, người dân phấn khởi

Ngày 1-7, cùng với các địa phương trên cả nước, các tỉnh – thành, phường – xã – đặc khu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long chính thức vận hành theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Ghi nhận của PV Báo SGGP, hầu hết các cơ quan hành chính đều hoạt động ổn định; người dân phấn khởi vì gặp nhiều thuận lợi trong thực hiện thủ tục hành chính…

Xã Đất Mũi (Cà Mau): Quãng đường đi lại, các bước thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ rút ngắn

Xã Đất Mũi mới - xã ở cực Nam của Tổ Quốc, có diện tích lớn nhất tỉnh với hơn 271km2, quy mô dân số hơn 33.290 người, được hình thành trên cơ sở sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Đất Mũi (cũ) và 1 phần diện tích tự nhiên, người dân của xã Viên An và phần còn lại của xã Tân Ân. Xã Đất Mũi được xem là cực Nam của Tổ quốc, có địa danh nổi tiếng là Mũi Cà Mau với một số công trình như: mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001, biểu tượng cột cờ Hà Nội tại Cà Mau, biểu tượng điểm cuối đường Hồ Chí Minh...

Trong ngày đầu tiên thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, nhiều người đã đến trụ sở xã để làm các thủ tục hành chính. Không khí làm việc diễn ra sôi nổi, nghiêm túc, nền nếp; cán bộ niềm nở, nhiệt tình.

dc05423e789dcfc3968c-8842-1201.jpg.jpg
Người dân đến Trung tâm phục vụ hành chính xã Đất Mũi làm các giấy tờ và được hỗ trợ, giải thích tận tình

Đến trụ sở UBND xã Đất Mũi làm thủ tục nhận tiền trợ cấp bệnh hiểm nghèo từ sáng sớm, ông Quách Văn Tịch (người dân ở xã Viên An cũ) cho biết, trước đây, để làm thủ tục này, ông phải đi hàng chục cây số để lên huyện, mất nhiều thời gian. “Bây giờ, UBND xã cũng giải quyết được, thời gian di chuyển giảm còn một nữa. Thủ tục cũng nhanh, gọn hơn, không phải qua nhiều khâu như trước”, ông Tịch phấn khởi nói.

Ngồi gần ông Tịch, khuôn mặt ông Hồng Văn Hùng cũng tươi rói khi được cán bộ Trung tâm phục vụ hành chính xã Đất Mũi giải quyết nhanh thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. “Phải công nhận là chính quyền địa phương 2 cấp giúp người dân thuận lợi rất nhiều trong thực hiện thủ tục hành chính. Từ quãng đường đi lại, đến các bước thủ tục, thời gian giải quyết đều được rút ngắn. Tôi ngồi đây nãy giờ, thấy ai đến làm thủ tục cũng vui vẻ, hớn hở”, ông Hùng nhận xét.

Ông Cao Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Đất Mũi cho biết, qua kiểm tra, ngày đầu làm việc, các cơ quan của UBND và Trung tâm phục vụ hành chính công xã hoạt động thông suốt, ổn định, đồng thời nhận được sự phản hồi tích cực của người dân. “Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là phục vụ nhân dân. Xã luôn luôn lắng nghe ý kiến góp ý của người dân để cùng với người dân giải quyết thủ tục hành chính được tốt hơn, để người dân hài lòng hơn”, ông Phú chia sẻ.

Cần Thơ: Hoàn thành nâng cấp hạ tầng số ở tất cả phường, xã

Ông Kim Sài Huil (sinh năm 1954, ngụ xã Thuận Hòa, TP Cần thơ) cho biết: “Tôi và vợ đến làm hồ sơ tại Trung tâm hành chính công của xã, được cán bộ hướng dẫn nhiệt tình, các thủ tục giấy tờ cũng được xử lý nhanh chóng, không phải đợi lâu. Đặc biệt, trụ sở làm việc khang trang, sạch sẽ, có máy lạnh đầy đủ nên người dân chúng tôi rất phấn khởi”.

Ông Thái Đăng Khoa, Bí thư phường Phú Lợi, TP Cần Thơ cho biết: Phường đã triển khai đầy đủ nhân sự tại Trung tâm hành chính công; cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc cũng đã được nâng cấp cơ bản đầy đủ cho công việc. Do đó, việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân thông suốt, không bị gián đoạn.

e75fa54457e7e0b9b9f6-8218-2246.jpg
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Văn Lâu kiểm tra tại Trung tâm phục vụ hành chính công TP Cần Thơ

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho biết: Trước đó, thành phố đã tổ chức vận hành thử nghiệm, bố trí cơ sở vật chất của xã, phường mới trên địa bàn. Theo đó, kết quả vận hành thử nghiệm tại 103 xã, phường cơ bản đảm bảo vận hành thông suốt, đồng bộ; không gián đoạn công việc, giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân đúng thời gian quy định; các bước trong quá trình phối hợp xử lý văn bản, tham mưu lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương được thực hiện nhanh chóng, đồng bộ…

Về hạ tầng số, đến nay, TP Cần Thơ đã hoàn thành 100% nhiệm vụ nâng cấp các hệ thống công nghệ thông tin, từ giải quyết thủ tục hành chính, quản lý văn bản, thư điện tử, hội nghị trực tuyến, truyền số liệu, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu đến cơ sở dữ liệu thành phố. Nhân lực công nghệ thông tin cũng được bố trí ở tất cả cơ quan, đơn vị, cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Liên quan bố trí trụ sở sau sáp nhập, 3 địa phương (Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang) có tổng số 4.050 trụ sở công. Sau sáp nhập, tiếp tục bố trí sử dụng 3.674 trụ sở, đối với 376 trụ sở dôi dư thành phố đã rà soát, lên phương án bố trí cho các sở, ngành, lực lượng công an, quân sự, mặt trận...; các trụ sở dư còn lại sẽ xây dựng lộ trình xử lý trong thời gian tới, đảm bảo không lãng phí.

Tại Tây Ninh, trong ngày đầu vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, các cơ quan hành chính đều hoạt động trơn tru; việc giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan chính quyền với người dân, doanh nghiệp cơ bản đảm bảo.

Ông Bùi Nguyên Khởi, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tây Ninh cho biết, chủ trương thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp là bước đi trọng yếu trong công cuộc cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Để phục vụ yêu cầu quản lý, điều hành theo mô hình chính quyền tỉnh Tây Ninh mới, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các xã, phường trong việc vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã, bảo đảm kết nối liên thông cơ sở dữ liệu ở các cấp. Đồng thời, tổng hợp báo cáo các vướng mắc, khó khăn và kiến nghị của các phường, xã trong quá trình vận hành để báo cáo Tỉnh ủy Tây Ninh chỉ đạo giải quyết.

2-cap-tay-ninh-6192-3532.png
Người dân đi làm thủ tục hành chính tại phường Long An, Tây Ninh

Đồng Tháp: Khắc phục lỗi kỹ thuật phần mềm, hoàn thiện thủ tục về chữ ký số

Ngay từ 8 giờ sáng, có gần 50 lượt người dân đến liên hệ công việc tại điểm chính của Trung tâm Phục vụ hành chính công đặt tại Bộ phận một cửa của UBND huyện Châu Thành (cũ), nay thuộc trụ sở UBND xã Phú Hựu. Lần đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, người dân đến thực hiện thủ tục hành chính còn bỡ ngỡ nhưng được cán bộ, công chức hướng dẫn tận tình, chu đáo. Với quy trình xử lý một đầu mối, thủ tục hành chính được tiếp nhận và giải quyết nhanh chóng, giúp tiết kiệm thời gian và giảm áp lực cho người dân.

Bà Võ Thị Bình, Chủ tịch UBND xã Phú Hựu (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, trung bình điểm chính Trung tâm phục vụ hành chính công tiếp nhận khoảng 150 hồ sơ, các điểm phụ xử lý từ 10 đến 20 hồ sơ mỗi điểm/ngày. Mật độ giao dịch cao nhất thường rơi vào buổi sáng và những ngày đầu tuần. Đội ngũ công chức làm việc tận tâm, sẵn sàng hỗ trợ người dân ở mọi khâu trong quá trình làm thủ tục. Dẫu còn một số khó khăn như: lỗi kỹ thuật phần mềm, hay chưa hoàn thiện các thủ tục về chữ ký số, tài khoản ngân hàng… nhưng với tinh thần chủ động và trách nhiệm, chính quyền xã đang nỗ lực khắc phục để mô hình hoạt động tốt nhất.

“Với nền tảng tổ chức bài bản, sự đoàn kết và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, xã Phú Hựu sẽ phát huy hiệu quả mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ – hiện đại – gần dân”, bà Bình kỳ vọng.

Đặc khu Thổ Châu: Gặp khó trong vận hành chính quyền điện tử

Đặc khu Phú Quốc cũng là đơn vị hành chính có diện tích lớn nhất tỉnh An Giang, với hơn 575km2. Những năm gần đây, Phú Quốc luôn là địa phương dẫn đầu thu ngân sách ở tỉnh Kiên Giang (cũ), chiếm hơn một nửa tổng thu ngân sách của tỉnh. Đầu năm 2025, Phú Quốc đã được công nhận là đô thị loại I.

Theo ghi nhận của phóng viên, sáng 1-7, nhiều trụ sở cơ quan Đảng, Nhà nước, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh ở “đảo ngọc” đã làm mới biển hiệu với cụm từ “đặc khu Phú Quốc” thay cho “thành phố Phú Quốc” trước đây. Người dân, doanh nghiệp nườm nượp đến Trung tâm phục vụ hành chính công đặc khu Phú Quốc để làm giấy tờ trong không khí vui tươi, niềm nở.

“Nghe nói từ ngày 1-7, việc làm giấy tờ đất đai có nhiều điểm thay đổi tích cực nên từ sớm tôi đã đến để bốc số, đăng ký nộp hồ sơ. Cán bộ niềm nở, nhiệt tình, hướng dẫn từng chi tiết để điền thông tin cho chính xác và tiếp nhận hồ sơ nhanh chóng. Tôi thật sự rất hài lòng và hy vọng trong những ngày tới, việc này luôn được duy trì, đảm bảo quyền lợi cho người dân”, bà Ngô Thị Nhâm (ấp Đường Bào) hồ hởi nói.

1-7, rất đông người dân và doanh nghiệp đến Trung tâm phục vụ hành chính công đặc khu Phú Quốc làm thủ tục, giấy tờ.jpg
Người dân, chủ doanh nghiệp đến Trung tâm phục vụ hành chính công Phú Quốc thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng vào sáng 1-7. Ảnh: Tâm Nhân

Ông Trần Minh Khoa, Chủ tịch UBND đặc khu Phú Quốc, cho rằng đây là cuộc cách mạng đổi mới và Phú Quốc trước đó đã chuẩn bị xong mọi mặt về con người, cơ sở vật chất và nguồn lực để đi vào vận hành chính quyền địa phương 2 cấp. Địa phương sẽ áp dụng số hóa và khoa học công nghệ vào quản lý vừa để giảm bớt chi phí vừa giúp người dân và doanh nghiệp rút ngắn thời gian làm thủ tục, giấy tờ, làm ăn hoặc đầu tư trên đảo Phú Quốc.

"Đặc khu là mô hình mới mẻ và đặc biệt, nên cần phải có cơ chế, quản lý đặc biệt. Khó khăn ban đầu là không tránh khỏi nhưng địa phương sẽ quyết tâm thực hiện và nghiên cứu giải pháp phù hợp để phục vụ người dân. Trước mắt, lực lượng cán bộ công chức, viên chức vẫn giữ nguyên và địa phương sẽ có lộ trình tinh giản đến năm 2030 để đảm bảo tập trung làm công việc, phục vụ người dân”, ông Trần Minh Khoa nói.

Trái ngược với không khí nhộn nhịp ở đặc khu Phú Quốc, sáng 1-7, Trung tâm phục vụ hành chính công của đặc khu Thổ Châu khá im lìm. Một công chức tại đây cho biết, Trung tâm bắt đầu vận hành từ 30-6, khi công bố quyết định thành lập đặc khu Thổ Châu nhưng cho đến gần hết giờ làm việc buổi sáng 1-7 vẫn chưa có người dân nào đến liên hệ làm việc.

“Cái khó khăn đầu tiên trong vận hành chính quyền điện tử ở đảo xa này là mạng internet không ổn định. Dân số trên đảo ít nên nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính cũng không cao. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên vận hành chính quyền điện tử nên người dân đảo vẫn chưa quen”, bà Nguyễn Ngọc Cẩm, công chức Trung tâm phục vụ hành chính công đặc khu Thổ Châu cho biết.

Thổ Châu là một quần đảo nhỏ với chỉ gần 14km2, vốn là xã thuộc TP Phú Quốc trước đây, cách xa đất liền 160km về phía Mũi Cà Mau và 220km về phía Rạch Giá, cách đảo Phú Quốc 115km. Dân số Thổ Châu từ hơn 2.000 người, nay sụt giảm chỉ còn 1.896 người.

“Người dân kỳ vọng chính quyền đặc khu Thổ Châu tập trung dồn sức đầu tư đưa đảo tiền tiêu phát triển mạnh, nhất là về kinh tế biển, dịch vụ du lịch”, ông Lê Văn Ca, một người dân sống lâu năm ở đặc khu Thổ Châu kỳ vọng.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho biết thêm: Về cơ bản, việc vận hành Trung tâm hành chính công tại các xã, phường cơ bản đảm bảo theo yêu cầu. Tuy nhiên, do khối lượng công việc rất lớn, thời gian triển khai diễn ra gấp rút, nhân sự chủ chốt ở các chức danh của đơn vị hành chính mới còn khuyết nên bước đầu một số xã, phường còn gặp một số khó khăn nhất định trong các khâu vận hành; đa phần cơ sở vật chất các xã, phường chưa đảm bảo diện tích bố trí các khu chức năng phục vụ người dân theo quy định; máy móc thiết bị cũng chưa đảm bảo, còn thiếu so với nhu cầu thực tế; tại một số xã, phường vẫn còn lỗi ký số…

Tấn Thái - Tâm Nhân - Tuấn Quang - Tín Huy - Ngọc Phúc

Tin cùng chuyên mục