Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS (1-12): Thanh toán căn bệnh thế kỷ

Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS (1-12): Thanh toán căn bệnh thế kỷ

Qua 25 năm “chiến đấu” với đại dịch HIV/AIDS, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có những thành công đẩy lùi căn bệnh thế kỷ này. Trong 8 năm liên tiếp vừa qua, Việt Nam giảm ở cả 3 tiêu chí: số người nhiễm HIV, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và số người tử vong do AIDS. Tuy nhiên, với sự cắt giảm các nguồn viện trợ, người bệnh bắt đầu phải tự trả chi phí điều trị, đang khiến “cuộc chiến” phòng chống HIV/AIDS gặp không ít khó khăn.

Thách thức về lây nhiễm qua tình dục

Là một trong những địa phương sớm chủ động các biện pháp phòng chống HIV/AIDS ngay từ những ngày đầu xuất hiện tại Việt Nam, phong trào “3 giảm” của TPHCM đã phần nào hạn chế tối đa số ca mắc mới HIV, cũng như ra sức chăm sóc cho các đối tượng có nguy cơ cao.  

 

Năm 1990, ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam. Tính đến nay, lũy tích số người phát hiện nhiễm HIV đang còn sống được báo cáo là hơn 227.000 người, số bệnh nhân AIDS là hơn 83.000 người và tổng số tử vong được báo cáo là 86.249 người. Hiện mỗi năm, Việt Nam vẫn phát hiện hơn 10.000 người nhiễm mới HIV.

 

Theo khảo sát của TPHCM năm 2014, 3 nhóm đối tượng có tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất là: nhóm nghiện chích ma túy (16,7%); nhóm phụ nữ hành nghề mại dâm (3,7%);  nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (12,7%). Đáng chú ý, tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục đang chiếm 57,5%, tỷ lệ lây qua đường máu chiếm 41,3%. “Xu hướng lây nhiễm HIV qua đường tình dục đang gia tăng, cảnh báo lây lan trong cộng đồng dân cư có thể gia tăng ở một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao”, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng băn khoăn. Bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân, Chánh văn phòng Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS TPHCM, cũng nhìn nhận thành phố hiện có khoảng 30.000 người đồng tính và chuyển giới, là đối tượng nguy cơ lây nhiễm HIV cao.

Theo TS-BS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, hiện nước ta có khoảng 300.000 người nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, đây chỉ là con số được báo cáo, số ca bệnh thực tế trong cộng đồng còn cao hơn nhiều, bởi nhiều người mắc bệnh nhưng không đi xét nghiệm hoặc không muốn khai báo. Hiện nay, 100% tỉnh - thành phố đã có dịch HIV, 98,9% số huyện có người nhiễm, 80,3% số phường - xã có người bệnh. Điều này cho thấy, HIV đã lan rộng trong cộng đồng, len lỏi vào từng đường làng, góc phố.

Cắt viện trợ, gánh nặng đè người bệnh

Phát động Tháng hành động Phòng chống HIV/AIDS năm 2015, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đại dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam.

Cũng theo Bộ Y tế, khoảng 80% kinh phí cho phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam là từ các nguồn viện trợ nhưng đang bị cắt giảm. Dự kiến năm 2017, viện trợ sẽ bị cắt hoàn toàn. “Nếu muốn duy trì được những thành quả đã đạt được trong cuộc chiến với đại dịch thế kỷ, Việt Nam phải tính giải pháp bù vào khoản 80% kinh phí viện trợ bị đứt”, một chuyên gia Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết. Để giải bài toán trên, một số giải pháp đã được vạch ra. Thứ nhất, tăng kinh phí từ ngân sách nhà nước; thứ hai, tăng đầu tư của các tỉnh, thành phố; thứ ba, sử dụng bảo hiểm y tế trong thanh toán chi phí cho người bệnh; thứ tư, tiến hành xã hội hóa bằng cách thu phí từ bệnh nhân khi tham gia các dịch vụ. Hiện hai phương án đầu đang chờ các cấp thẩm quyền phê duyệt; phương án thứ ba đang bước đầu được triển khai, Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi đã chấp thuận thanh toán phí khi tham gia các dịch vụ khám, chữa bệnh cho người HIV/AIDS.

Thăm hỏi bệnh nhân HIV điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, việc cung cấp bơm kim tiêm sạch cho nhóm tiêm chích ma túy, cung cấp bao cao su cho nhóm mại dâm, điều trị thay thế bằng methadone là ba giải pháp đặc biệt quan trọng để đẩy lùi dịch. Khi nguồn viện trợ ổn định, trung bình mỗi năm Việt Nam phát miễn phí khoảng 30 triệu bơm kim tiêm, 30 triệu bao cao su cho nhóm người nghiện chích ma túy, mại dâm. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm, 5 tháng đầu năm 2015, số bơm kim tiêm phát chỉ còn khoảng 3 triệu, bao cao su chỉ đạt 1,7 triệu… Mặt khác, công tác điều trị ARV tại các trung tâm cũng đang quá tải, không đủ nguồn lực mở rộng. Riêng TPHCM có 31 cơ sở điều trị ARV, nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu. Theo BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đa số bệnh nhân thuộc gia đình nghèo, khả năng chi trả cho các dịch vụ điều trị còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc tiếp cận điều trị và sự tuân thủ điều trị liên tục. Do đó, mục tiêu  đưa 90% người nhiễm HIV vào điều trị ARV rất khó khả thi! Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, ước tính mỗi năm số tiền chi trả cho loại thuốc ARV khoảng 420 tỷ đồng là con số không nhỏ, nếu cắt viện trợ, gánh nặng chỉ còn đè lên vai người bệnh! Nếu người bệnh tham gia điều trị tự nguyện sẽ phải thanh toán chi phí khám chữa bệnh hàng tháng, chi phí sử dụng thuốc kháng HIV và các loại xét nghiệm nằm ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước và nguồn viện trợ.  Được biết, hiện mới có khoảng 30% bệnh nhân HIV điều trị ARV có bảo hiểm y tế. Do đó cần tăng cường hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV.

Việt Nam đang hướng mục tiêu tới năm 2020 có 90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục