Nhật ký Australia Open 2007

Ngày thi đấu thứ 5: Roddick thắng trong “cuộc chiến Nga – Mỹ”

Bầu không khí trên khán đài sân Rod Laver Arena như đặc quánh lại khi Andy Roddick rồi Marat Safin lần lượt hiện diện trên sân. Các cổ động viên Mỹ với quốc kỳ vẽ trên mặt phải đối diện với những cổ động viên Nga khoác trên mình màu áo có ghi chữ CCCP của Liên Xô cũ. “Cuộc chiến Nga – Mỹ” chính là điểm nhấn đáng chú ý nhất trong ngày thi đấu thứ 5, khi mà trước đó Roger Federer, Tommy Robredo hay Mario Ancic đều dễ dàng hạ gục đối thủ kém tên tuổi hơn hẳn.

Ngày thi đấu thứ 5: Roddick thắng trong “cuộc chiến Nga – Mỹ” ảnh 1

Có ông Connors sau lưng, Roddick càng lúc càng tự tin

Rõ ràng, sau khó khăn khi giáp mặt Jo-Wilfried Tsonga (Pháp) ở vòng 1, Roddick phải chạm mặt một thách thức lớn nhất tính cho đến thời điểm này – cựu số 1 thế giới Safin. Tất nhiên, người ta có thể nhìn thấy vẻ mặt khá an tâm của Roddick. Anh không phải lo quá nhiều vì ngài Jimmy Connors đã bay từ Mỹ đến Melbourne để… đơn giản ngồi sau lưng anh. Có Connors hiện diện sau lưng, Roddick trở nên tự tin và điều đó giúp cho những pha “gò” bóng của anh … sống sót lâu hơn.

Ngược lại, Safin đã không còn giữ nổi dáng vẻ kiên cường trong hai trận đấu dài dằng dặc trước đó. Chảy máu ngón út tay phải, đổ rất nhiều mồ hôi, sự bực dọc khi… gây hấn với trọng tài, cái lắc đầu bất lực, và còn tung những cú đá vào quả bóng. Đó là toàn bộ những biểu hiện đáng chú ý nhất của Safin trong 2 giờ 12 phút hiện diện trên sân.

Của đáng tội, tay vợt người Nga cũng có một vài ván đấu ra trò. Anh so kè quyết liệt cùng Roddick trong ván 1 – ván đấu mà thậm chí Safin còn có nhiều cú giao bóng ăn điểm trực tiếp hơn cả “chuyên gia” giao bóng Roddick – và buộc tay vợt người Mỹ phải lao vào loạt tie-break khắc nghiệt. Nhưng cuối cùng, Safin vẫn thua (thua 2-7).

Ván thứ 2 hầu như quá đỗi dễ dàng. Safin dẫn 2/0 rồi 4/2 trước khi chấm dứt ván đấu ở điểm số 6/2. Khán giả ồ lên thích thú. Rõ ràng, muốn thắng Safin trong đơn thuần 3 ván đấu hầu như là chuyện không tưởng. Nhưng nếu thắng Safin trong 4 hay 5 ván thì… cũng có căn cơ. Khi đang so kè 4/4 ở ván 3, Safin đột nhiên hụt hơi và… chấp nhận thất bại với điểm số 4/6.

Đến ván đấu cuối cùng, căng thẳng mỗi lúc một tăng vì Safin quyết không để cho Roddick bứt xa, còn chính bản thân Roddick cũng càng lúc càng nghiêm túc “gò” bóng trong các pha dằng co kéo dài. Tay vợt người Mỹ – chuyên gia “tự sát” sau chỉ 3 đường bóng qua lại – giờ đây lại tỏ ra rất kiên nhẫn với chính bản thân và thậm chí còn ít mắc lỗi đánh bóng hỏng hơn cả Safin (tổng cộng, Roddick “chỉ” dính 33 lỗi đánh bóng hỏng so với 39 lỗi của Safin). Từ rơ đấu thứ 10 trở đi, Safin nắm ưu thế dẫn điểm, tuy nhiên, cũng giống với Safin ở thời điểm ban đầu, Roddick bám sát Safin “như hình với bóng”. Kết cục lại lập lại: cả hai phải lao vào loạt tie-break – nơi mà Safin đã quá ngán ngẩm và tỏ vẻ thất vọng. Đó là điềm báo cho việc Safin phải… buông xuôi.

Và anh đã buông xuôi – cũng bằng với cái điểm số mà anh… bất lực trong loạt tie-break ván 1: 2/7. Cuộc hành trình của Safin đã dừng lại. Sự chán nản của cổ động viên Nga lộ rõ trên khán đài. Nhưng mọi người khác ở Australia Open thì nên cám ơn anh. Ít nhiều, Safin đã mang đến một “tính cách” đáng kể, thứ mà ở Australia Open mùa trước hầu như không có nhiều!

Còn Roddick thì sao? Anh sẽ còn tiến xa vì chỉ phải gặp gỡ những tên tuổi không “cá tính” trong các vòng sắp tới. Vòng 16, anh sẽ gặp Mario Ancic. Vòng tứ kết, anh chỉ gặp hoặc Mardy Fish hoặc David Ferrer. Nghĩa là, anh chỉ gặp phải một thử thách đáng kể tương tư ở bán kết – Roger Federer.

ĐỖ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục