Như Báo SGGP đã thông tin, ngày 26-3-2012 UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản (hỏa tốc) số 1717/UBND.NN về việc xử lý một số nội dung liên quan đến Dự án trồng rừng thay thế nương rẫy. Đã một tháng rưỡi trôi qua, vào những ngày giữa tháng 5, phóng viên Báo SGGP đi thực tế một số huyện miền núi Nghệ An thì người dân vẫn chưa hề nhận được gạo.
Con Cuông là huyện có nhiều bà con đang chờ gạo trồng rừng nhất của dự án. Ông Lê Quang Hợp, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện này cho hay, khi chủ trương trồng rừng thay thế nương rẫy được đưa ra bà con rất phấn khởi và hưởng ứng nhiệt tình. Chương trình này sau đó được triển khai tại các xã Thạch Ngàn, Châu Khê và Cam Lâm.
Năm 2010 người dân đã trồng được 300ha rừng thay thế, đầu năm 2011 trồng thêm được 200ha. Nhưng sau đó dự án mới “rót” xuống được cho dân 5 tháng gạo trồng rừng, còn lại 337 tấn vẫn đang nợ. Người dân bắt đầu nản với việc trồng rừng theo chương trình này. Không dừng lại ở đó, một số nơi người dân đã chặt bỏ những cây rừng mình đã trồng.
Đơn cử như bản Ba Hạ (xã Thạch Ngàn) người dân đã chặt bỏ đến 3ha rừng mới trồng để làm lại rẫy. Hạt Kiểm lâm phối hợp với các cấp chính quyền huyện, xã phải rất vất vả mới vận động dân trồng “trám” lại diện tích này. “Thú thật là bây giờ xuống dân chúng tôi không biết trả lời dân thế nào. Vì chương trình trồng rừng thay thế nương rẫy này chúng tôi là đơn vị trực tiếp đứng ra làm việc với dân. Giờ nợ gạo người dân chỉ biết kêu kiểm lâm, nhiều người còn nói chúng tôi lừa họ, thế mới khổ...”, ông Hợp chia sẻ.
Chúng tôi vào bản Châu Sơn (xã Châu Khê, huyện Con Cuông) hỏi chuyện gạo trồng rừng. Không ít người dân tỏ ra không còn mặn mà với việc trồng rừng nữa. Anh La Văn Năm, một người dân của bản nói: “Gạo cấp cho mình không thấy, nhưng trồng cây chết thì cứ bắt trồng lại, mình không ưng trồng nữa”.
Anh La Văn Thành, Trưởng bản, cho biết bản Châu Sơn có 192 hộ trồng 80 ha rừng thay thế nương rẫy. Người dân đã trồng xong nhưng chưa nghiệm thu nên chưa có gạo. Khi có chủ trương trồng rừng thay thế nương rẫy, biết được cấp gạo trồng rừng bà con rất phấn khởi. Nhưng sau đó gạo mới cấp được một đợt, còn lại vẫn nợ dân trên 130 tấn.
Tại huyện Tương Dương người trồng rừng vẫn đợi gạo không khác gì huyện Con Cuông. Theo Hạt Kiểm lâm Tương Dương, chương trình trồng rừng thay thế nương rẫy bà con đăng ký trồng nhiều, nhưng vì một số lý do nên năm 2010 chưa trồng được. Năm 2011 người dân ở xã Tam Quang và Tam Đình trồng được 46ha. Mặc dù đã được nghiệm thu, nhưng cho đến hiện tại người dân đang phải chờ gần 29 tấn gạo cho công sức trồng diện tích rừng này.
Ngoài những địa phương trên, các huyện miền núi khác của Nghệ An người trồng rừng cũng đang chờ gạo. Người trồng rừng thông qua Hạt Kiểm lâm huyện Quỳ Hợp còn chờ cấp hơn 62 tấn gạo (làm tròn), tại Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu trên 101 tấn, Hạt Kiểm lâm huyện Quế Phong trên 64 tấn, Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn trên 7 tấn, Công ty Lâm nghiệp Tương Dương trên 78 tấn.
Ông Mùa Nỏ Xừ, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Dân hỏi mình cũng buồn lắm. Nhưng mình không có khả năng giải quyết, mình chỉ biết nói cho dân biết là nhà nước không nói là không cấp gạo trồng rừng cho dân mà nói là chậm thôi.
DUY CƯỜNG