Nguy hiểm và rủi ro cao, thu nhập thấp, chưa được nhìn nhận đúng đắn... đã và đang là những thực tế tồn tại đối với nghề cascadeur (diễn viên đóng thế). Những người sống chết với nghề này vì đam mê nhưng có không ít người đành giã từ sự nghiệp vì chấn thương hoặc đi tìm cho mình cơ hội mới tốt hơn.
Cascadeur - Nghề nguy hiểm, rủi ro cao nhưng thu nhập thấp. Ảnh minh họa. Nguồn: iStock
Thầm lặng mà nguy hiểm
“Em theo nghề khoảng 2 năm trở lại đây. Thực ra, mỗi người đều có một lý do khi làm cascadeur nhưng với em nó giống như đam mê vì trước đây, em thích xem phim hành động, võ thuật và thích các trò chơi mạo hiểm nên từ đó quyết theo nghề này cho bằng được. Bên cạnh đó, em cũng thuộc tuýp người thích xê dịch, được làm việc ở nhiều môi trường khác nhau, đi nhiều nơi để không nhàm chán và đóng phim cho em những cơ hội như thế”, Nguyễn Doãn Thọ, chàng trai sinh năm 1990 đến từ Hà Nội chia sẻ về ước mơ đến với nghề cascadeur.
Mỗi ngày, anh thường phải tập ít nhất từ 2-3 giờ, từ tay không cho đến tập với các binh khí để làm sao khi đóng phim vừa thật, lại hạn chế được chấn thương.
Mới có trong tay 5-7 vai diễn, nhưng với Thọ, mỗi lần đóng phim là những kỷ niệm đáng nhớ, ngay cả khi đó là những lần nguy hiểm cận kề. Thọ kể, khi tham gia phim Tể tướng Lưu Nhân Chú, anh được giao đóng thế cho vai tướng giặc Liễu Thăng. Trong phim, có cảnh hai bên phải giao đấu trên ngựa khi tập với nhau rất ăn ý nhưng đến lúc vào diễn xuất anh lại bị bạn diễn chém vào tay, máu chảy rất nhiều.
Theo đạo diễn hành động Quốc Thịnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cascadeur Quốc Thịnh, người đã có 24 năm kinh nghiệm trong nghề, chấn thương từ quá trình tập luyện cho đến khi đóng phim vốn là chuyện như cơm bữa, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Tai nạn của nữ cascadeur Phi Ngọc Ánh cho đến giờ vẫn được người trong giới truyền tai nhau khi cô bất chấp mạo hiểm, nhảy lầu từ tầng 3 xuống đất, kết quả bị gãy xương vai khi tham gia bộ phim Gai hồng (đạo diễn Quốc Thịnh).
Sau đó, khi tham gia bộ phim Tiger Dream (Đức), cô cũng gặp vô số chấn thương: rách bàn tay vì đu dây từ mái nhà cách mặt đất 15m mà không có thiết bị bảo hộ, bị bạn diễn cầm bình hoa lớn đập vào đầu khiến ngất lịm, bị đấm thẳng vào mắt khiến mắt cô bầm tím...
Nàng “Liễu thị” Kim Dung của Mỹ nhân kế cũng nổi tiếng là người liều và không ít phen cô phải chịu nguy hiểm. Khi đóng thế cho Thúy Diễm (phim Vòng tay ấm) có cảnh cô phải nhảy cầu cách mặt nước 5m nhưng không hề biết bơi.
Đóng phim Cơm tấm tình yêu, trong cảnh đánh nhau với bạn, lúc diễn cằm Kim Dung bị cắm xuống đất, kết quả cô bị rách cằm phải đi bệnh viện khâu lại. Chấn thương cũ chưa lành, chấn thương mới đã đến nhưng không do vậy mà họ từ bỏ vì “cái nghiệp nó vận vào thân”.
Chính đạo diễn Quốc Thịnh chia sẻ, trong nghề này, các cascadeur nữ phải chịu nhiều thiệt thòi hơn, phần vì họ có ít vai diễn, phần khác bởi thể lực, độ nhạy bén và tinh thần thường không bằng nam giới.
Lại nói đến chấn thương, đạo diễn Dũng Nghệ kể khi quay phim truyền hình Tình như vô hình có một cảnh quay khiến anh gần như chết lặng. Trong phim có cảnh diễn viên đóng thế Đặng Phi Long phải nhảy qua cửa kính từ tầng 2. Tuy nhiên, vì khoảng cách giữa hai bờ tường chỉ có 3m, làm hạn chế đà chạy nên khi diễn cảnh này, Phi Long rơi xuống đập vai vào hiên nhà, gần như trật khỏi tấm nệm. Cũng may, anh chỉ bị thương nhẹ và bị một số miếng kính nhỏ găm vào tay, mặt.
Một pha mạo hiểm của thành viên CLB cascadeur Quốc Thịnh từng thực hiện
Mong được nhìn nhận xứng đáng
Đạo diễn Dũng Nghệ chỉ ra ba tồn tại nổi cộm của nghề cascadeur ở Việt Nam.
Thứ nhất, đây là nghề quá nguy hiểm và các câu lạc bộ cascadeur chưa thể nói là chuyên nghiệp bởi hầu hết do các anh em theo nghề lâu, nhiều kinh nghiệm thành lập rồi truyền dạy lẫn nhau, bản thân họ cũng chưa được đào tạo bài bản.
Thứ hai, các thiết bị đi kèm hỗ trợ diễn viên còn khá thô sơ, thậm chí nhiều thứ là do tự chế.
Và cuối cùng, công sức lao động của họ chưa được ghi nhận xứng đáng.
Nhiều bộ phim, chỉ có các đại cảnh lớn thì 1-2 cascadeur chính mới được mua bảo hiểm nhưng ở mức khá thấp. Nhưng vấn đề mấu chốt là tại Việt Nam, cascadeur chưa được chính thức công nhận là một nghề.
Đó cũng là trăn trở của đạo diễn Quốc Thịnh bởi cách đây 5-6 năm, Hội Điện ảnh TPHCM từng tính đến chuyện thành lập hiệp hội cascadeur để đứng ra bảo vệ quyền lợi cho diễn viên nhưng cuối cùng, mọi chuyện vẫn để ngỏ.
Thừa nhận trong khoảng 1-2 năm trở lại đây, khi điện ảnh Việt phát triển, cơ hội cho các diễn viên theo nghề đóng thế cao hơn nhưng vẫn còn đó những thực tế cố hữu, trong đó lớn nhất là vấn đề bảo hiểm.
“Khi tham gia các dự án, chúng tôi đều tính đến việc mua bảo hiểm cho anh em nhưng hầu hết các đơn vị bán bảo hiểm đều từ chối. Điều này dẫn đến hệ quả, khi có tai nạn xảy ra, số tiền anh em nhận được không tương xứng, hơn nữa họ cũng không được hưởng lương”, đạo diễn Quốc Thịnh trăn trở.
Tại Việt Nam, cá biệt một số đoàn phim mới dám bỏ ra số tiền lớn mua bảo hiểm cho diễn viên. Đơn cử như trường hợp của nhà sản xuất Lý Hải với hai phim Lật mặt 1 và 2 đều có mua bảo hiểm từ một công ty Thái Lan. Diễn viên Trương Ngọc Ánh chia sẻ, toàn bộ diễn viên tham gia phim Truy sát được mua bảo hiểm trị giá 50.000USD (tương đương hơn 1 tỷ đồng).
Đạo diễn Quốc Thịnh cũng so sánh, khi làm phim ở Ấn Độ, đoàn phim đều mua bảo hiểm cho toàn bộ diễn viên, khi gặp chấn thương phải ngưng công việc vẫn được hưởng lương và tiền bồi thường lại được hiệp hội đứng ra giúp đỡ.
Hiện nay, những CLB như của anh đều có quỹ để giúp đỡ anh em khi gặp tai nạn nhưng số tiền cũng không được bao nhiêu. Đó là lý do, một số diễn viên đóng thế sau thời gian theo nghề dù rất đam mê cũng đành từ bỏ.
Thực tế cho thấy, tuổi thọ của các diễn viên đóng thế khá thấp, thường trong độ tuổi từ 24-30. Để được ra nghề, mỗi diễn viên phải có quá trình luyện tập ít nhất 1 năm, có đam mê, tự tin và dám vượt qua chính mình. Trung bình, khoảng 20-30 học viên theo học chỉ có 1-2 người ra làm nghề.
Dù câu chuyện cát - xê là điều bí mật của đơn vị sản xuất nhưng theo đạo diễn Dũng Nghệ, khi anh cho gọi một diễn viên biết nhào lộn, đánh đấm cơ bản tham gia phim của mình, cát - xê họ nhận được chừng 300.000-400.000 đồng/phân đoạn nhưng sau khi trừ đi các chi phí, mức thực nhận rất thấp.
Đó là lý do, nhiều người phải chọn thêm nghề tay trái để duy trì đam mê. Phi Ngọc Ánh từng có thời đi làm MC, người mẫu ảnh; Kim Dung làm công việc bán thời gian, đóng MV cho ca sĩ; Doãn Thọ thậm chí vẫn duy trì nghề làm mộc truyền thống của gia đình vào những khi không đóng phim...
“Cascadeur Việt rất giỏi nhưng nghề này lại chưa được công nhận, khán giả lẫn ê kíp làm phim chưa nhìn nhận đúng vai trò và anh em chưa được tôn trọng, đối xử công bằng. Có đi ra nước ngoài làm việc mới thấy cascadeur Việt Nam rất thiệt thòi”, tâm sự của Phi Ngọc Ánh khiến không ít người phải chạnh lòng.
VĂN TUẤN