Việc lãnh đạo từ cấp thành phố tới cơ sở thường xuyên xuống địa bàn vào các ngày nghỉ để lắng nghe tiếng nói của người dân không phải là hiếm. Cùng với đi thực tế địa bàn, nhiều địa phương, nhiều ngành còn tổ chức các hình thức đối thoại, trao đổi, lấy ý kiến qua hộp thư… để tiếp nhận những bức xúc, kiến nghị, phát sinh mới từ thực tế của người dân.
Tuy nhiên, ở một số nơi, tình trạng cán bộ cấp trên không đi cơ sở, còn cán bộ cơ sở thì không xuống địa bàn vẫn còn khá phổ biến, nên khi có chuyện gì cần đến chính quyền, người dân không biết gọi ai, kể cả những lúc gặp khó khăn, hoạn nạn, hoặc bị uy hiếp đến tính mạng và tài sản… Ngay cả việc những bức xúc, những việc cần phản ánh về tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức, để đến được với chính quyền, người dân cũng không biết tìm đến đâu.
Thực tế trên cho thấy mối quan hệ giữa người dân và chính quyền đang có khoảng cách, làm cho các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước thiếu đi hơi thở từ cuộc sống. Điều quan trọng hơn nữa của tình trạng này là đã và đang xuất hiện một bộ phận cán bộ xa dân, quan liêu, vô cảm trước khó khăn, nỗi khổ của nhân dân.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp cần đặt trọng tâm vấn đề uy tín lãnh đạo trước dân khi tiến hành kiểm điểm cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ chủ chốt ở cơ sở. Những cán bộ nào thiếu sâu sát thực tế, uy tín thấp, thiếu quan tâm đến lợi ích của người dân, nhũng nhiễu dân… cũng cần phải xử lý hoặc thay thế. Ngược lại, cán bộ nào làm tốt công tác tiếp dân, lắng nghe, đối thoại với dân để có biện pháp lãnh đạo tốt, cần được tuyên dương, nhân rộng và trở thành một công việc thường ngày ở các cấp chính quyền hiện nay.
PHƯƠNG NAM