Nghe, nghĩ và thấy

  • Nghe...

Để trị một âm mưu người nhiệm kỳ 3 chen chân vào Liên đoàn và cấu kết với thành phần “bành trướng” vào bộ máy Liên đoàn, người ta đã phải vận động một nhân vật có hạng ở ngân hàng và cũng là Phó giáo sư về kinh tế để nắm những vấn đề làm kinh tế và phát triển kinh tế của Liên đoàn.

Nghe nói để “dĩ độc trị độc”, người ta phải chấp nhận đánh đổi với từng cặp người được chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới. Như nếu ông cựu Phó Tổng cục trưởng vào ghế Chủ tịch thì dứt khoát phó chuyên môn phải là ông cựu Vụ trưởng còn nếu ông Phó Chủ nhiệm đậu vào ghế đấy thì chức phó chuyên phải là ông Trưởng bộ môn.
Còn chức Tổng thư ký?

Ông cựu Tổng thư ký sau khi từ chức đã đề xuất cấp dưới của mình vào vị trí quyền nhưng đến giờ lại nghe nhiều người nói là ông cựu tổng đang tự trách mình vì sự hãnh tiến và quá đà của ông tổng quyền.

Lại nghe nói nhân vật sáng giá nhất cho vị trí Tổng bây giờ là ông Viện phó. Chuyện đậu hay không đậu bây giờ lại là chuyện khó xử vì nếu vào ghế Tổng thì khó có cơ cấu nâng quan lên chức Phó Chủ nhiệm sau này.

Những chuyện NGHE lại là những chuyện mà cả người trong cuộc lẫn ngoài cuộc băn khoăn.

  • Nghĩ...

Nếu những con người cũ quay lại thì bóng đá Việt Nam liệu có sáng?
Nhưng nếu những con người mới vào mà lại mang những tư tưởng cơ hội thì bóng đá Việt Nam sẽ trôi về đâu?

Nhiệm kỳ 4, mọi người đều nghĩ bỏ những người có chuyên môn nhưng gây mất đoàn kết ra ngoài thì bộ máy VFF sẽ bình yên và chạy đều. Nghĩ thế nhưng nó không thế. Cái được mà nhiệm kỳ 4 làm khá nhiều nhưng người ta không chịu nhìn vào cái được mà cứ săm soi vào cái không được và chưa được. Thế là người có công cũng thành có tội còn người có tội (vì không làm) lại trở nên người có công.

Lại còn thành phần hưởng sái làm nghèo và làm rối cho bóng đá, cho những người quản lý bóng đá.
Cứ nghĩ có ông Bí thư này hay ông Bộ kia vào thì VFF sẽ mạnh lên và sẽ có tiếng nói quan trọng hơn, nhưng có chức vào VFF không phải là sẽ làm được tất cả.

Có điều mà nhiều người cũng đang nghĩ và đang lo, đó là thành phần “vào” VFF có không ít người “thất nghiệp”. Có nghĩa họ chẳng có gì làm ngoài việc xin làm giám sát hoặc xin hỗ trợ chuyên môn, tổ chức giải này, giải nọ... nếu không vào VFF.

  • Thấy...

Thấy bóng đá Việt Nam hớ hàng nặng khi mời Slavia Praha sang để nâng cấp đội tuyển. Lại thấy những nhà làm bóng đá Việt Nam gặp gì cũng vơ vào xin đăng cai, bất chấp chất lượng và uy tín của VFF, của bóng đá Việt Nam. Nặng nề nhất là Futsal châu Á được gật đại và tổ chức đại mà chẳng cần biết để có một đội tuyển Futsal, người ta phải chuẩn bị như thế nào và để có một trọng tài làm việc ở Futsal thì cần phải học gì và tập huấn ra sao. Những nhà làm bóng đá nội cứ nghĩ đơn giản mang cầu thủ có kỹ thuật của sân 11 người đi bata vào đá sàn gỗ là đã có đội Futsal.

Nhìn cầu thủ chủ nhà đá Futsal mà bê luật 11 người vào sàn gỗ thấy mà tủi thân! Lỗi liên tục và thẻ phạt vớ vẩn cứ xảy ra chỉ vì quen cái kiểu chèn và xoạc của bóng đá sân cỏ. Đến ông trọng tài nội ngồi bấm giờ mà cũng không biết luật để chủ nhà mất điểm oan.

Còn nhiều cái mà người hâm mộ không thấy hoặc vì che và đậy kỹ quá nên chưa thấy.

Đã nghe và cảm nhận được cái lo. Đã nghĩ và mong cho những điều tồi tệ nhất đừng xảy ra. Đã thấy và hy vọng rằng tương lại chỉ thấy cái tốt và cái tinh thần trách nhiệm chung.

Đấy cũng là lời nhắn gửi cho “bộ máy mới” đang vận hành ở cuối nhiệm kỳ.

Nguyễn Nguyên

Đã có 14 ứng viên cho các chức danh chủ chốt của VFF khóa 5. Đó là con số do Ban Trù bị Đại hội 5 đưa ra tính đến hết ngày 26-5. Chủ tịch VFF khóa 5 sẽ là cuộc đua giữa 3 ông: Nguyễn Trọng Hỷ, Dương Nghiệp Chí, Trần Vũ Hải; 2 ứng viên Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn là Lê Thế Thọ và Ngô Tử Hà; 3 ứng viên Phó Chủ tịch phụ trách đối ngoại và truyền thông là Nguyễn Thế Kỷ (Vụ trưởng Vụ Báo chí – Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương), Nguyễn Công Khế, Nguyễn Lân Trung; 2 ứng viên cho vị trí Tổng thư ký là Phan Anh Tú và Trần Quốc Tuấn. Trong khi đó, chức danh Phó Chủ tịch phụ trách tài chính – tài trợ có nhiều ứng viên nhất với 4 người là: Tào Hữu Phùng, Đỗ Tất Ngọc, Lê Hùng Dũng và Lê Văn Thành (Phó Ban tiếp thị và vận động tài trợ VFF kiêm TGĐ Công ty thể thao Động Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phát triển bóng đá Việt Nam VFD).
A.H

Tin cùng chuyên mục