Nghệ nhân già giữ lửa hát Trống quân

Theo bà Vẫy, hát Trống quân có từ thời nhà Lê, xuất hiện ở các làng quê ven sông, không riêng gì Đan Nhiễm. Nhưng ở Đan Nhiễm, hát Trống quân lại mang phong cách riêng đó là kép hát luôn tuân thủ chặt các chặng hát, còn giữa các chặng thì kép hát có thể tự sáng tác ngẫu hứng. 
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Vẫy dạy hát Trống quân cho thiếu nhi ngay tại vườn nhà mình
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Vẫy dạy hát Trống quân cho thiếu nhi ngay tại vườn nhà mình

Điệu hát trống quân bao đời nay đã trở thành mạch ngầm văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn nhiều thế hệ nam thanh nữ tú thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín (TP Hà Nội). Nhưng hát Trống quân từng có giai đoạn mà không ai còn nhớ đến; để có thể khôi phục và phát triển lại như hiện nay, không thể không nhắc đến đóng góp âm thầm của những nghệ nhân sắp gần đất xa trời, trong đó có Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Vẫy (83 tuổi).

Say mê với hát Trống quân

Ngay từ khi còn nhỏ, bà Vẫy đã được nghe những câu hát Trống quân mượt mà từ mẹ, từ chị. Lên 7 tuổi, bà đã hát thành thạo nhiều bài Trống quân, sáng dậy ra vườn hát, ra đồng hát, tối phải hát đến lúc nào buồn ngủ mới thôi. Đến khi trở thành một thiếu nữ duyên dáng, vào ngày trăng rằm giữa tháng tròn xoe, sáng vằng vặc, bà lại cùng thanh niên trong làng rủ nhau ra ven đê sông Nhuệ hát đối đáp giao duyên.

Bà Vẫy chia sẻ, hát Trống quân là làn điệu hát đối đáp giữa bên nam và bên nữ, có thể đứng hai bên bờ sông hát hoặc đứng trên cùng một khoảnh đất, ở giữa có một chiếc trống kéo dây hai bên, mỗi bên đóng một chiếc cọc xuống đất, bên nào hát xong thì đánh vào trống ra hiệu. Cũng chính nhờ Trống quân đã đem đến cho bà tình yêu đôi lứa với ông Nguyễn Văn Cường. Đây là kỷ niệm thanh xuân mà ông bà thường kể cho con cháu nghe về một thời tuy khó khăn nhưng tình yêu, tâm huyết với hát Trống quân luôn cháy bỏng trong hai ông bà. Về sau, bà Vẫy thường xuyên hát Trống quân trên loa phát thanh xã và đi biểu diễn tại một số nơi cùng các chị em trong thôn. Bà say mê hát Trống quân đến nỗi nhiều hôm nằm ngủ mơ vẫn lẩm nhẩm hát, ông Cường cũng vì thế đã quá quen với những câu hát Trống quân trong đêm của bà.

Theo bà Vẫy, hát Trống quân có từ thời nhà Lê, xuất hiện ở các làng quê ven sông, không riêng gì Đan Nhiễm. Nhưng ở Đan Nhiễm, hát Trống quân lại mang phong cách riêng đó là kép hát luôn tuân thủ chặt các chặng hát, còn giữa các chặng thì kép hát có thể tự sáng tác ngẫu hứng. Nội dung câu hát Trống quân rất phong phú, từ giao duyên nam nữ, ca ngợi quê hương đất nước đến hiếu nghĩa với cha mẹ. Những câu hát ấm áp cùng nụ cười giòn tan của kép hát đã tạo nên sức sống mãnh liệt của hát Trống quân ở Đan Nhiễm mấy trăm năm qua.

Tuy vậy, hát Trống quân tưởng chừng như bị rơi vào quên lãng trong thời kỳ chiến tranh, gần như không được biểu diễn trong hàng chục năm. Rồi hòa bình lập lại, nước sông Nhuệ, sông Tô Lịch ô nhiễm, hát Trống quân không còn đất diễn, cứ thế hát Trống quân ngủ quên trong ký ức của người dân Đan Nhiễm.

Gìn giữ làm điệu dân ca quê hương

Nhiều đêm nằm ngẫm, bà Vẫy nhớ hát Trống quân vô cùng, tuy tuổi đã cao nhưng bà nghĩ “phải làm điều gì đó để gìn giữ làn điệu dân ca quê hương”. Thế là bà đi vận động con em trong thôn tham gia lớp học hát Trống quân do bà dạy. Đến năm 2008, Câu lạc bộ hát Trống quân thôn Đan Nhiễm được thành lập với thành viên khoảng 50 người, chủ yếu là lớp trẻ; cũng trong năm này, bà Vẫy là người đầu tiên được phong danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Sinh ra trong nghèo khó, bà Vẫy không được đi học chữ, tuy vậy mỗi lần đứng hát bà đều bảo con cháu mang giấy bút “bà hát câu nào, cháu chép lại câu ý”, đến nay số vở ghi chép đã thành mấy quyển và được đánh máy chữ rõ ràng. Ngoài ra, bà còn biên soạn và sáng tác mới một số bài như Chồng đi lính; Trên trời có ông sao bảy sao ba, dưới hạ giới có ta có mình… Mỗi tuần, bà Vẫy dành trọn thứ bảy và chủ nhật để dạy hát, có hôm dạy thêm cả tối, mỗi lớp học từ 7 đến 20 em. Bà Vẫy chia sẻ: “Mỗi khi đứng lên hát, thấy ánh mắt háo hức của bọn trẻ, tôi thấy ấm lòng vô cùng và thêm hy vọng về sự hồi sinh của hát Trống quân”.

Học hát Trống quân hướng đến 3 đối tượng chính là các bà cao niên, người trung tuổi và trẻ em. Vì vậy, bà Vẫy luôn có 3 lớp đứng dạy, mỗi lớp lại chọn một chủ đề phù hợp. Đối với các thiếu nhi, chủ đề sẽ là về hoa, quả, mái trường; đối với người trung tuổi là tình yêu quê hương, gia đình; đối với người già là non sông, đất nước, chiêm nghiệm cuộc đời.

Cứ như vậy, gần 15 năm qua bà Vẫy đã dạy hát khoảng 20 lớp với gần 200 học viên, trong đó nhiều người đã đi biểu diễn và có cả người đã được phong nghệ nhân như cô Duyên, chú Bôn… Nhờ công sức đó mà hát Trống quân được khôi phục và không bị thất truyền; không ít lần, đội hát Trống quân thôn Đan Nhiễm giành giải cao tại hội thi trên sóng truyền hình về dân ca dân vũ, những lần đó có một khán giả móm mém, lưng còng ngồi dưới nước mắt cứ ứa ra vì hạnh phúc, đó là bà Nguyễn Thị Vẫy.

Giờ tuy đã 83 tuổi, sức khỏe đã yếu không thể hát được lâu, bà Vẫy vẫn cố gắng lên lớp hôm nào có thể, với bà còn sức là còn hát. Ở một mình trong căn nhà cấp 4 xập xệ, hàng ngày bà vẫn gấp vàng mã, làm vườn, chăm con gà con vịt, được đồng nào bà lại tích cóp mua trang phục hát Trống quân của thiếu nhi tặng các học viên nhí để động viên lớp trẻ gìn giữ làn điệu quê hương. Đến nay, bà cũng đã tặng được 5 bộ quần áo cho học viên, mỗi tháng bà dành ít nhất 2 buổi để lên loa phát thanh xã hát Trống quân, làm da diết cả một vùng quê chiêm trũng.

Ông Trương Quốc Bình, Trưởng thôn Đan Nhiễm, cho biết bà Vẫy là nghệ nhân hát Trống quân gạo cội nhất ở Đan Nhiễm, bà có công lớn trong việc gìn giữ và trao truyền hát Trống quân cho các thế hệ sau. Câu lạc bộ hát Trống quân ở thôn do bà dạy đã truyền cảm hứng cho cả thôn Đan Nhiễm học hát. Do điều kiện khó khăn, thôn không có kinh phí hỗ trợ câu lạc bộ, chỉ có thể cho mượn nhà văn hóa, bàn ghế để bà Vẫy dạy hát. Dẫu vậy, người dân thôn Đan Nhiễm vẫn luôn tin tưởng rằng, hát Trống quân rồi sẽ lại phát triển huy hoàng.

Với những gì đã cống hiến, bà Vẫy được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, danh hiệu Người tốt Việc tốt thủ đô 2019 và quan trọng nhất là tình yêu, sự trân quý của người dân thôn Đan Nhiễm với người nghệ nhân già.

Tin cùng chuyên mục