ĐƯA NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 9 VÀO CUỘC SỐNG
Hội nghị Trung ương lần thứ 9, khóa XI của Đảng đã ra Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Báo SGGP xin trích đăng một số ý kiến của giới văn nghệ sĩ TPHCM về đưa Nghị quyết Trung ương 9 vào cuộc sống.
Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM LÊ QUANG TRANG:
Tránh “đi vào tháp ngà”…
Từ thực tiễn phong trào sáng tác văn học ở TPHCM, thông qua việc thẩm định đề cương tham dự các trại sáng tác, xin hỗ trợ đầu tư và xem xét các tác phẩm tham dự giải thưởng hàng năm của hội, chúng tôi nhận thấy, số tác phẩm bám sát thực tiễn xây dựng và phát triển xã hội hiện nay thường chiếm tỷ lệ không cao. Có nhà văn còn nhận xét mạnh mẽ rằng, các nhà văn hiện nay đang lảng tránh hiện thực nóng bỏng của đời sống, xa rời những đòi hỏi bức xúc của đông đảo quần chúng nhân dân. Đó thực sự là một nỗi lo và một thực tế cần khắc phục. Có nhiều cách thức để thực hiện mục đích này: có người trốn vào chuyện lịch sử, đưa bối cảnh câu chuyện ra nước ngoài, rồi mượn màu huyền thoại, viễn tưởng, mượn lối “đi vào tháp ngà” để tránh phải nói chuyện cuộc đời.
Nghệ sĩ Đức Dậu biểu diễn bộ gõ giúp khách nước ngoài hiểu về các nhạc cụ dân tộc Việt Nam.
Để khắc phục tình trạng trên, Hội Nhà văn TPHCM chủ trương khuyến khích các nhà văn cần gắn bó và lấy việc phản ánh thực tiễn sinh động của đời sống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay là nội dung chủ đạo cho sáng tác của mình. Hội đã tổ chức nhiều gặp gỡ, nhiều chuyến đi để các nhà văn tiếp cận với những chương trình đột phá, đến với những công trình trọng điểm, những ngành công nghiệp mũi nhọn, những vùng nông thôn mới, những điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực sản xuất và chiến đấu… Đây chính là cách để các nhà văn cảm nhận về sự kiện và nhân vật, tạo cảm xúc cho ngòi bút của mình. Trong tổ chức các trại sáng tác, xem xét đầu tư, xét tặng giải thưởng hàng năm hay các cuộc thi văn học ở các lĩnh vực đề tài đặc thù, định hướng của hội cũng là chú ý và khuyến khích những tác giả, tác phẩm có giá trị gắn liền với đời sống đương đại.
Nhạc sĩ NGUYỄN NGỌC THIỆN:
Đào tạo thẩm mỹ âm nhạc từ nhà trường
Không ít bạn trẻ đang tham gia vào hoạt động sáng tác âm nhạc lại thiếu và yếu kém về quan điểm, nhận định và tính thẩm mỹ trong sáng tác. Thế nên, khi bắt tay sáng tác, các tác giả trẻ vô tư lên internet, lấy hòa âm của người khác, viết lại giai điệu, chỉnh lý một chút về phối khí, rồi đặt lời mới và xem là của mình. Thế nhưng dù có “né”, viết lại kiểu nào đi chăng nữa thì âm hưởng vẫn giống. Không ít nhạc sĩ trẻ chia sẻ, đôi khi sáng tác dựa theo một tác phẩm nào đấy vậy thôi chứ không biết như thế là phạm luật, là vi phạm bản quyền.
Chung quy của mọi sự việc đã và đang diễn ra đều do các bạn thiếu sự đào tạo bài bản về kiến thức âm nhạc, tính thẩm mỹ âm nhạc, không được giáo dục tốt để hiểu rõ việc làm như thế nào là đúng - sai trong sáng tạo nghệ thuật. Việc xã hội hóa văn hóa nghệ thuật trong cuộc sống hiện nay là điều cần thiết, nhưng nếu người làm xã hội hóa nghệ thuật không được đào tạo bài bản, có định hướng, có chiều sâu thì việc xã hội hóa văn hóa nghệ thuật ắt gặp nhiều trở ngại.
Trên thế giới, công tác đào tạo âm nhạc và thẩm mỹ âm nhạc đã được các quốc gia rất chú trọng đầu tư thực hiện. Trong nhà trường, âm nhạc là một môn học bắt buộc. Qua nhiều năm tháng học tập, tiếp thu và thẩm thấu các kiến thức âm nhạc, học sinh sẽ dần hình thành quan điểm thẩm mỹ âm nhạc với sự hiểu biết nhất định. điều này giúp các em có thể nhận thức, đánh giá và tự chọn lọc tác phẩm hay, chất lượng để thưởng thức và từ chối các sản phẩm âm nhạc kém chất. Trong cuộc sống, những người được giáo dục từ nhỏ về thẩm mỹ âm nhạc thì dứt khoát sẽ không có chuyện đạo nhạc và thưởng thức âm nhạc không chọn lọc. Vậy nên, vấn đề cần làm hiện nay là đầu tư cho công tác đào tạo âm nhạc ngay từ trong trường học, phải giúp các em hiểu rõ về tính thẩm mỹ âm nhạc, trang bị đầy đủ kiến thức âm nhạc dân tộc, âm nhạc truyền thống, âm nhạc đỉnh cao… Từ đó mới có thể hình thành một lớp công chúng, khán giả hiểu âm nhạc, biết thưởng thức âm nhạc, đồng thời cũng dần kiến tạo một thế hệ những người trẻ đủ bản lĩnh để tiếp bước hoạt động sáng tác, biểu diễn nghệ thuật trong tương lai.
NSƯT MỸ UYÊN:
Cần “người cầm cờ” tâm huyết
Nghệ sĩ sân khấu miền Nam nói chung, từ nghệ thuật hát bội, cải lương đến đờn ca tài tử… đều có sự đam mê, nhiệt huyết, hết mình với nghề. Tuy nhiên, thời gian qua, anh chị em nghệ sĩ thường không làm nghề ở một sân khấu nhất định mà bay nhảy, thay đổi liên tục. Trước tiên là do tình hình đời sống kinh tế, cơ sở vật chất không đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của lĩnh vực sân khấu. Tiếp nữa là vai trò của người quản lý, lãnh đạo, có tài năng, nghiệp vụ, trình độ, nhưng còn thiếu hành động cụ thể để tạo nên những ích lợi thiết thực cho hoạt động sân khấu. Chỉ khi “người cầm cờ” tâm huyết, nhiệt tình, luôn giữ vững được tinh thần, không dễ dàng lung lay trước những khó khăn, thách thức, nói đi đôi với làm, anh em nghệ sĩ - hội viên mới tin tưởng, tiếp tục đam mê, trải lòng cùng nghề, hết mình với nghệ thuật.
Nói riêng về sân khấu kịch TP hiện nay, hầu hết đều tự phát, tư nhân hóa, xã hội hóa, tự thân vận động, tự đầu tư làm ra tác phẩm phục vụ công chúng. Các sân khấu hiện bị bao vây bởi muôn vàn khó khăn, nhiêu khê những lo toan gồng gánh, từ việc thuê mướn mặt bằng đến các khoản chi thù lao nhân viên, diễn viên, kịch bản, đạo diễn, âm thanh, ánh sáng, kỹ thuật… nên ai nấy thường nhọc tâm, đắn đo, hàng ngày tự o ép trong tâm trạng lo lắng, mong bán được từng chiếc vé để tối tối sân khấu được sáng đèn. Tuy khó khăn, vất vả là thế, tư nhân làm nghệ thuật vẫn luôn nhiệt huyết, đam mê với nghề.
Dẫu vậy, những năm gần đây, thực tế cho thấy sân khấu TP nói riêng đang trên đường hướng phát triển cầm cự chứ không phải vững mạnh như trước, sân khấu kịch tư nhân chịu thua lỗ không ít. Nếu để tình trạng kéo dài quá lâu, thiếu sự quan tâm chăm sóc, hỗ trợ, tiếp sức cho hoạt động xã hội hóa nghệ thuật sân khấu kịch nói, ắt hẳn những người làm nghề nhiệt huyết không thể sống được với nghề.
Tóm lại, việc đầu tư về con người làm nghệ thuật sân khấu hiện rất cấp thiết. Song song với yêu cầu về nhân lực chính là việc nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư thực hiện những tác phẩm - kịch bản chất lượng.
NSƯT HỒNG ÁNH:
Yếu tố "bền vững" rất quan trọng
Mục tiêu chung của nghị quyết là xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội. Tôi ủng hộ nghị quyết sẽ được phát triển sáng tạo, bên cạnh việc giữ gìn các giá trị truyền thống, phát triển bền vững là giữ gìn những giá trị tốt đẹp trong văn hóa, được chọn lọc qua thời gian, bài trừ những quan điểm lạc hậu cố hữu. Trong văn hóa của người Việt như: tôn sư trọng đạo, lễ phép, gìn giữ mối quan hệ quan tâm mật thiết với gia đình, môi trường sống bên cạnh việc sáng tạo ra những giá trị mới. Mỗi khi nhận lời tham gia một bộ phim, tôi không chọn vai đậm bản sắc phụ nữ Việt, tôi chọn bất cứ vai diễn phụ nữ nào mà nhân vật dù trải qua bao nhiêu biến cố, vẫn vươn lên sống nghị lực, hướng tới điều tốt đẹp; đề cao giá trị nhân văn và tình người, thương chồng yêu con vượt qua khó khăn dù đời vùi dập… Những điều này không chỉ là bản sắc phụ nữ Việt, mà là tính nhân bản của con người nói chung.
Tôi muốn gìn giữ và phát huy những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam và vì thế, dù với tôi, sự sáng tạo luôn thôi thúc, thích được khám phá, thể nghiệm trong nhiều dạng vai khác nhau; nhưng những vai diễn tôi đóng, dù xuất thân ở tầng lớp nào, dù ở lứa tuổi nào, dù nhân vật trong kháng chiến hay thời hậu chiến… cũng phải toát lên được tính nhân văn, lòng nhân ái. Tôi nghĩ, đó chính là sự bền vững. Điện ảnh là môn nghệ thuật dễ tiếp cận với công chúng và tạo ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ, cách nhìn nhận cuộc sống của hầu hết mọi tầng lớp khán giả. Ý nghĩa của nghệ thuật là phải làm cho người ta yêu con người, yêu cuộc sống tốt đẹp. Tôi nghĩ, yếu tố “bền vững” là rất quan trọng vì nó mang tính chất kế thừa; nếu chỉ phát triển không thôi thì không thể gọi là bền vững được. Các thế hệ biết gìn giữ và kế thừa truyền thống văn hóa tốt đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc thì sự phát triển mới có thể bền vững được.
NHÓM PHÓNG VIÊN