Nghệ thuật phản đối bạo lực

Có một thế hệ nghệ sĩ trẻ ở Guatemala đang được nhìn nhận là những nghệ sĩ tiên phong trong lĩnh vực dùng nghệ thuật miêu tả táo bạo thực tại để chống những tệ nạn xã hội.

Có một thế hệ nghệ sĩ trẻ ở Guatemala đang được nhìn nhận là những nghệ sĩ tiên phong trong lĩnh vực dùng nghệ thuật miêu tả táo bạo thực tại để chống những tệ nạn xã hội.

Guatemala là một trong những nước có tỷ lệ tội phạm cao nhất thế giới, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao hơn Haiti và khoảng cách chênh lệch khá lớn giữa khu vực nông thôn bản địa và giới chính trị doanh nhân giàu có ở thủ đô. Không chịu ngồi yên nhìn thực trạng tồi tệ của đất nước, một nhóm nghệ sĩ trẻ ở Guatemala, khoảng 30 tuổi, đã khởi xướng trào lưu vẽ tranh phê phán hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

Gọi là tranh phê phán, nhưng hầu hết những tác phẩm nghệ thuật đều mang yếu tố hài hước, chỉ trích nhẹ nhàng nhưng càng nhìn càng thấy “thấm”. Trong chiếc máy tính của Jorge de Leon là bức tranh vẽ một chú hề úp mặt xuống đường cùng với đôi giày khổng lồ đỏ, mũi nhọn thò ra mỗi bên chân và một vũng màu nhòe nhoẹt từ đầu lan xuống…

Ít ai biết rằng Leon là người vừa từ bỏ giới giang hồ với những hình xăm và những vết thương đầy trên thân thể. Trong những ngày hoàn lương, bất bình trước thực trạng bạo lực tràn lan, tham nhũng, anh bắt đầu nhìn nhận nghệ thuật ở góc độ nghiêm túc hơn, miêu tả nhiều mặt của thế giới bạo lực bằng nét vẽ hóm hỉnh.

Cùng với Leon còn có Anival Lopez, Regina de Galindo và Alejandro Paz… Họ là một phần của một thế hệ lớn lên dưới làn bom đạn của các băng nhóm và của cuộc nội chiến trong những năm 1990. Thời của các nghệ sĩ ở Guatemala chỉ thực sự bắt đầu khi đất nước này có được tự do sau những hiệp định hòa bình năm 1996.

Với nhận thức chính trị về các “sản phẩm xã hội”, tình hình chính trị và văn hóa phức tạp, công việc của những nghệ sĩ này thường đặt ra nhiều câu hỏi lớn về nạn nghèo đói, phân phát và bất công… Mặc dù nhiều tác phẩm của họ đã chạm đến những sự thật khắc nghiệt của xã hội, song họ dùng những nét hóm hỉnh mà nghiêm túc hơn là sự chỉ trích mang tính hình thức, kinh điển.

Theo Global Post, mặc dù tràn ngập những tệ nạn bạo lực, băng đảng, sự “xâm lược” của các tập đoàn và nghèo đói cùng cực, nhưng Guatemala tự hào có một nền nghệ thuật sôi động hơn nhiều so với những nước láng giềng. Nét nổi bật đó là nhờ sự sáng tạo trong giải quyết các vấn đề xã hội. Ở đó, một cộng đồng nghệ sĩ đang nổi lên thúc đẩy ngành nghệ thuật ở đất nước Trung Phi này.

Hạnh Chi

Tin cùng chuyên mục