Nghệ thuật “trồng người”

Người thầy trong nghệ thuật giống như những người trồng cây. Trước hết, chúng ta phải biết chọn hạt giống tốt để ươm mầm. Khi hạt giống đã nảy mầm, chúng ta lại phải biết cách chăm sóc, bảo vệ, trông nom, nuôi dưỡng để mầm non đó phát triển, lớn lên thành cây xanh tươi tốt, nở hoa thơm, đơm trái ngọt có ích cho đời. Công tác đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng là một công việc rất khó khăn, không đơn giản đào tạo theo kiểu trẻ con vào lớp 1, biết đọc biết viết là thành công. Nó đòi hỏi những thầy cô ngoài kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm giảng dạy trong thực tiễn còn phải có tấm lòng nhân ái, kiên nhẫn, giàu tình yêu thương, tận tâm tận lòng để phát triển những tài năng còn đang tiềm ẩn bên trong mỗi học trò của mình.

Đồng thời, người học trò ngoài năng khiếu, tố chất bẩm sinh về bộ môn nghệ thuật nào đó, điển hình về âm nhạc, họ phải có những đức tính: siêng năng trong học tập, lòng đam mê nghề mãnh liệt, trau dồi không mệt mỏi chuyên ngành mà mình theo học… Đó là sự kết hợp, gắn bó chặt chẽ, mang tính tương đồng cần thiết trong mối quan hệ của người thầy và trò, mới gặt hái được những thành quả cao.

Trong giai đoạn hiện nay, việc đào tạo tài năng trong nghệ thuật, ngoài sự nỗ lực vượt bậc từ cả hai phía: thầy và trò còn đòi hỏi một môi trường xã hội lành mạnh, công bằng. Nghĩa là nhân tài phải được trọng dụng và sử dụng hợp lý thì mới phát huy hiệu quả tích cực trong công cuộc xây dựng đất nước. Những người có trách nhiệm cầm cân nảy mực trong xã hội nói chung và ngành văn hóa nghệ thuật nói riêng phải có trình độ và tư duy tốt để thẩm định công việc và chọn người tài. Đây không phải chỉ là khoa học mà còn là nghệ thuật nữa. Nếu nói “hiền tài là nguyên khí quốc gia” thì trước hết phải quan tâm đến môi trường ươm mầm cho hiền tài nảy nở, phát triển.

Còn nhớ trước đây ở Liên Xô, khoảng những năm 1970, khi Nhạc viện Leningrad mới thành lập (nay là Nhạc viện Saint Peterbourg), giám đốc đầu tiên của nhạc viện là nhạc sĩ người Nga rất nổi tiếng Glazounov. Một hôm, chủ nhiệm khoa Lý luận - sáng tác của nhạc viện đến đề nghị với giám đốc không để sinh viên Dimitri Schostakovik học ở khoa sáng tác, chỉ cho học piano. Nhưng giám đốc Glazounov đã rất sáng suốt, gọi sinh viên Dimitri Schostakovik lên và nói: “âm nhạc của anh không thuộc khẩu vị của tôi nhưng tôi biết anh là một nhân tài về sáng tác, anh sẽ làm rạng danh nước Nga trong tương lai. Tôi đã gửi công hàm lên Bộ Đại học xin cho anh 2 suất học bổng: sáng tác và biểu diễn piano”.

Người học trò suýt bị đuổi khỏi khoa sáng tác lúc đó, ngày nay chính là nhạc sĩ lừng danh thế giới của thế kỷ 20, nhạc sĩ Dimitri Schostakovik.

Là một người thầy khi thấy học trò mình trưởng thành, đóng góp hiệu quả cho xã hội thì đó là phần thưởng vô giá đối với người thầy. Cái nghĩa thầy trò từ xưa đến nay, dù ở phương Đông hay phương Tây vẫn là cái đạo lý muôn thuở, bất di bất dịch. Người thầy thì đừng bao giờ tính công, kể ơn đối với học trò. Ngược lại, người học trò phải tuyệt đối ghi công, đừng bao giờ quên công ơn giảng dạy, dìu dắt của người thầy, nhất là trong hoàn cảnh xã hội hiện nay. Có như vậy thì xã hội mới có nhân tài đích thực và đó chính là nghệ thuật “trồng người”. 

GS-TS - Nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam

Tin cùng chuyên mục