Cụ Dimitra, 73 tuổi, người nghỉ hưu Hy Lạp cho biết cụ chưa bao giờ tưởng tượng một cuộc sống khó khăn như lúc này khi hàng tháng phải nhận cứu trợ lương thực gồm: gạo, hai túi mì ống, một gói hạt đậu, vài hộp sữa. Số lượng người dân Hy Lạp sống nhờ vào thực phẩm cứu trợ như cụ Dimitra ngày càng tăng. Sau 7 năm Hy Lạp tiếp nhận kế hoạch giải cứu nợ từ các định chế tài chính quốc tế, trong đó có Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) với hàng tỷ EUR, đất nước của họ không những không thoát nợ mà còn bần cùng hơn, theo nhận định của Reuters ngày 20-2.
Cuộc khủng hoảng tài chính và hậu quả của nó buộc 4 nước khu vực đồng EUR chuyển sang nhận tiền vay quốc tế gồm Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Cyprus. 3 nước kia đã thoát nợ, nền kinh tế tăng trưởng trở lại. Riêng Hy Lạp, nước đầu tiên nhận gói cứu trợ trong năm 2010 vẫn như giậm chân tại chỗ. Chính sách cho vay của Liên minh châu Âu (EU) và IMF là để cứu Hy Lạp khỏi bị phá sản, nhưng các chính sách thắt lưng buộc bụng và cải cách đi kèm theo điều kiện cho vay đã làm cho cuộc suy thoái kinh tế trở nên nặng hơn. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras liên tục mất điểm trong các cuộc thăm dò ý kiến. Chính phủ Hy Lạp giờ đây cũng khó thoát khỏi cơn bủa vây của chủ nợ. Phần lớn các khoản tiền vay mới chủ yếu để trả khoản vay cũ đến hạn thanh toán.
Hy Lạp không phải là thành viên nghèo nhất của EU nhưng theo cơ quan thống kê EU (Eurostat) trong năm 2015, tỷ lệ người nghèo ở nước này cao hơn Bulgaria và Romania với 22,2% dân số “thiếu thốn trầm trọng về vật chất”. Xét tương quan, các nước vùng Balkan thời kỳ hậu Liên Xô có tỷ lệ người nghèo giảm mạnh, trong đó Romania giảm gần 1/3, trong khi tỷ lệ người nghèo Hy Lạp gần như tăng gấp đôi kể từ năm 2008, năm cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bùng nổ. Đáng chú ý là tỷ lệ người nghèo trung bình của EU cũng giảm từ 8,5 % còn 8,1% trong giai đoạn này.
Ngay tại thủ đô Athens, trường hợp hàng tháng phải nhận trợ cấp thực phẩm như cụ Dimitra không hiếm. Tất cả đều được xem là sống dưới mức nghèo khổ với thu nhập từ 370 EUR/tháng trở xuống.
Chỉ tại một nơi phân phối thực phẩm cứu trợ ở trung tâm thủ đô Athens, khoảng 11.000 gia đình, tương đương 26.000 người đăng ký nhận hàng tháng, tăng từ mức 2.500 người vào năm 2012 và 6.000 người vào năm 2014. Hàng cứu trợ thì cũng không nhiều mà tùy thuộc vào các nhà hảo tâm. Chị Eleni Katsouli, quan chức chính quyền phụ trách trung tâm Athens, lo ngại về nguồn cung thực phẩm. “Những gia đình có trẻ nhỏ và trong một số ngày, chúng tôi đã thậm chí không có sữa để cung cấp cho họ”, chị Eleni Katsouli nói.
Các tổ chức quốc tế, bao gồm Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) đã thúc giục Chính phủ Hy Lạp phải ưu tiên giải quyết đói nghèo và bất bình đẳng. Kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu, nền kinh tế Hy Lạp đến nay đã giảm 0,25% và hàng ngàn doanh nghiệp đã đóng cửa. Số liệu mới nhất cho biết, kinh tế Hy Lạp trong quý 4-2017 dự báo giảm sau 2 quý có tăng. Hơn 75% hộ gia đình có thu nhập năm 2016 giảm đáng kể. Một phần ba số hộ có ít nhất 1 người thất nghiệp và 40% số hộ cho biết họ đã phải cắt giảm chi tiêu thực phẩm.
KHÁNH MINH