Sau rất nhiều thời gian chờ đợi, nhất là với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kỹ thuật số, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, sẽ có hiệu lực vào ngày 1-9-2013.
Game online: vẫn còn nhiều điểm chung chung
Ông Huỳnh Ngọc Hải, Giám đốc Khối Công nghệ và nội dung số, Công ty CP Truyền thông trực tuyến VTC (VTC Online) cho rằng, Nghị định 72 nhận được sự đồng thuận của hầu hết doanh nghiệp (DN) đang kinh doanh trong lĩnh vực GO. Nghị định mới quy định rõ các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng cho người sử dụng Việt Nam phải thành lập DN theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đây được xem là tin vui với các DN kinh doanh game trong nước vốn vẫn bị coi là chịu thiệt hại khi nhiều DN nước ngoài móc nối với các cá nhân nhỏ lẻ để phát hành game lậu thu hút người chơi mà không phải chịu nghĩa vụ với nhà nước, đồng thời gây ra sự cạnh tranh trực tiếp với các nhà phát hành chân chính trong nước.
Tuy nhiên đi sâu vào sẽ thấy, DN phải có biện pháp hạn chế tiêu cực của GO là một trong những tinh thần mấu chốt của Điều 34, Nghị định 72. Đặc biệt, đối với trò chơi có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ của DN, DN sẽ phải thực hiện đăng ký thông tin cá nhân của người chơi và áp dụng biện pháp hạn chế giờ chơi đối với trẻ em, người chơi dưới 18 tuổi theo hướng dẫn của Bộ TT-TT.
Bên cạnh đó, DN cần triển khai các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ quản lý nội dung hội thoại giữa các người chơi theo quy định của Bộ TT-TT và DN cần ít nhất một hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam để đáp ứng việc thanh tra, lưu trữ, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý và giải quyết khiếu nại của khách hàng đối với việc cung cấp dịch vụ theo quy định của Bộ TT-TT.
Ở đây thấy rõ, điều khoản trong nghị định mới đã tháo gỡ các quy định chung chung như nghị định cũ, giúp DN rõ ràng hơn và biết các lộ trình để triển khai. Nhưng một DN (đề nghị không nêu tên) cho rằng, ở đây các điều khoản vẫn còn chung chung, đặc biệt là vấn đề duyệt kịch bản game, bản quyền game. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng DN không biết liệu game của mình có thể cung cấp được hay không khi xây dựng xong?! DN này còn có cái nhìn thoáng hơn dựa trên bản chất Intrenet không biên giới: Việc bắt các tổ chức nước ngoài đặt máy chủ tại Việt Nam dẫn tới sự khó khăn cho DN nước ngoài, tốn kém và hạn chế việc triển khai. Điều này sẽ khiến cho người dùng Việt Nam bị hạn chế các dịch vụ hấp dẫn, có hàm lượng tri thức cao… vì một thực tế GO có mặt tại Việt Nam, gần như 90% nhập từ nước ngoài.
Mạng xã hội: không dễ quản lý với các công ty nước ngoài
Trong nghị định này có nguyên điều 22 nói về mạng xã hội, cho thấy Bộ TT-TT đã đánh giá cao các “mối nguy hại” tiềm ẩn mang lại cho người dùng Chính phủ khi đưa ra các điều khoản để có thể có giấy phép mạng xã hội hoặc cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam. Giới làm nội dung số tại Việt Nam cho rằng, điều này có lợi khi bắt buộc các công ty nước ngoài như Facebook, Google… phải tuân theo cuộc chơi như các DN Việt Nam, tạo lại cán cân bình đẳng giữa DN Việt Nam và DN nước ngoài.
Đi sâu hơn còn thấy nghị định đã tạo ra “cây gậy” để bộ TT-TT có thể nắm bắt được thông tin, yêu cầu các DN nước ngoài cung cấp dịch vụ tại Việt Nam tuân thủ luật pháp Việt Nam. Tuy nhiên thực hiện việc này không phải dễ, như phải có một hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam để đáp ứng việc thanh kiểm tra. Điều này quy định quá chung chung... dự báo sẽ dẫn đến “máy chủ đối phó” bằng cách các DN sẽ xây dựng một hệ thống “để qua mặt” quản lý; thực tế bản chất của dịch vụ thì vẫn nằm ở hệ thống máy chủ nước ngoài.
Ở một góc độ khác, ông Huỳnh Ngọc Hải cho biết thêm, điểm đáng chú ý trong nghị định này thể hiện tại điều 22 - Chương III: “DN khi cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có người sử dụng hoặc truy cập từ Việt Nam sẽ phải tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan.
Trên cơ sở đó, Bộ TT-TT sẽ có quy định cụ thể về cung cấp thông tin công cộng qua biên giới”. Như vậy, các mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter hay công cụ tìm kiếm Google sẽ phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Đây là một điểm sáng so với Nghị định 97 - Nghị định quản lý cũ về cung cấp dịch vụ Internet trước đây. Điều này hoàn toàn đúng đắn trước tình hình thực tế là các đơn vị như Facebook, Google thu về rất nhiều ngoại tệ từ việc kinh doanh quảng cáo tại Việt Nam mà không phải đóng một đồng thuế nào, cũng như là nơi cung cấp, phát tán các luồng thông tin mà nếu không có sự kiểm soát sẽ mang lại rất nhiều hệ lụy xấu cho sự phát triển xã hội.
Tuy nhiên câu hỏi đặt ra, Bộ TT-TT sẽ quản lý như thế nào với các đơn vị này khi mà cũng trong Nghị định 72: “Không yêu cầu DN nước ngoài cung cấp thông tin công cộng qua biên giới phải thành lập văn phòng hoặc chỉ định tổ chức, cá nhân đại diện tại Việt Nam”, ông Huỳnh Ngọc Hải đặt câu hỏi như vậy!
Với những “phân vân” đã nói ở trên, giới làm nội dung số tại Việt Nam cho rằng, Nghị định 72 tuy đã đặt ra được các vấn đề “nan giải” trên Internet tại Việt Nam hiện nay như việc “xuất bản” thông tin, mạng xã hội và GO, đã đưa ra một công cụ để bộ TT-TT quản lý được dễ dàng, hiệu quả và chi tiết hơn. Nhưng để thực hiện được nghị định này, rất cần các văn bản hướng dẫn cụ thể hơn để các DN trong và ngoài nước triển khai, tránh việc quản lý hạn chế sự phát triển. Đặc biệt, một số điều khoản trong nghị định chưa thể hiện được bản chất vấn đề mà lại làm cho DN nước ngoài hạn chế đầu tư dịch vụ vào Việt Nam khi Internet là “phẳng”.
BÁ TÂN