Chào mừng 32 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2007)

Nghị quyết “ánh sáng”!

Ánh sáng từ những ngọn đèn cao áp giờ đây soi rọi từng con đường làng, từng cua quẹo, ngõ quanh, hắt vào từng ấp, từng tổ nhân dân… Ánh sáng của một chủ trương, nghị quyết ở Củ Chi (TPHCM) đã đi vào thực tế.

  • Người khá “gánh” người nghèo
Nghị quyết “ánh sáng”! ảnh 1

Đường vào ấp Trạm Bơm (Tân Phú Trung) cũng được trang bị đèn cao áp. Ảnh: M.A.

Con lộ làng xuyên ấp Vườn Trầu (xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, TPHCM) bây giờ khác hoàn toàn so với 2 năm trước đây. Ngay ngã ba quẹo vào nhà anh Trần Văn Hắc (tổ 5), ánh đèn cao áp sáng choang từ độ cao 6 m tỏa xuống mặt đường, làm hằn lên từng thớ thịt của phần đất sét pha mát rượi phía dưới chân.

Có tiếng xe máy cày át đi tiếng dế gáy râm ran dưới lũy tre phía xa, anh Trần Văn Hắc cười tươi nhảy phóc xuống đất, chỉ tay lên trời, nói: “Tui và Hai Cham (Nguyễn Văn Cham, tổ 7) do mần ăn được nên đóng mỗi người 500.000 đồng đặng mần cái đèn đường. Đúng ra mỗi hộ đóng có 200.000 đồng hà, nhưng mấy ông trên ấp vận động mình choàng gánh cho những hộ nghèo. Hai Cham có cái máy tuốt lúa, còn tui có máy cày nên đều đồng ý đóng tiền nhiều”.

Chuyện đã diễn ra cách nay 2 năm nhưng người dân ấp Vườn Trầu và các ấp Bàu Trâu, Mít Nài… lân cận vẫn nhớ như in. Phó Bí thư Chi bộ ấp Vườn Trầu Nguyễn Văn Huyện kể lại: Vào năm 2004, khi được Đảng ủy xã Phước Thạnh giao chỉ tiêu vận động 53.000.000 đồng để gắn tổng cộng 36 bộ đèn chiếu sáng giao thông nông thôn (GTNT) trên toàn ấp (chia làm 2 đợt, trung bình mỗi hộ 200.000 đồng), Chi bộ ấp đã họp bàn và thống nhất: bình quân hộ khá đóng 250.000-350.000 đồng/hộ; hộ trung bình 150.000-200.000 đồng và hộ khó khăn 50.000-100.000 đồng. Sau đó, các tổ trong ấp tiến hành bình xét và người dân đóng tiền theo mức đã được bà con lối xóm đề nghị”.

Anh Huyện kể chuyện cứ như là kỹ sư thứ thiệt, rằng: “Mấy hộ nghèo như hộ chị Trần Thị Lờ, Trần Thị Lình ở tổ 6 thì đóng 100.000 đồng/hộ và được đóng nhiều lần; còn hộ nghèo quá như anh Nguyễn Văn Giang ở tổ 1 thì miễn luôn, vì bà con đã đề nghị công khai, nên chẳng ai thắc mắc. Mà do “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân đóng góp” nên bà con kiểm tra kỹ lắm, đèn phải là loại Sodium HPS, dây cáp nguồn phải có tiết diện 11mm² bọc nhựa, độ cao của đèn phải trên 6m, cần đèn phải đúng loại sắt mạ kẽm sơn 3 lớp… theo đúng thiết kế của Sở GTCC”.

  • Đảng viên đi trước: lẽ đương nhiên

Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Phú Trung, anh Huỳnh Văn Nị, tâm sự: “Sau khi có chủ trương xã hội hóa chiếu sáng GTNT của Huyện ủy về đến xã với tỷ lệ huyện 50%, xã 20% và dân 30%, xã tui họp bàn thấy cần phải phát động thi đua để các đảng viên, cán bộ xã đóng trước và kịp thời biểu dương những ấp vận động bà con làm tốt trên hệ thống loa truyền thanh. Kết quả, xã vận động được 1,3 tỷ đồng từ nhân dân mà không có ai thắc mắc chi, vì hộ nghèo đóng ít, hộ khá đóng nhiều, hộ khó khăn được… trả góp.

Cứ mỗi tuyến đường làm xong hệ thống chiếu sáng là bàn giao ngay cho Ban nhân dân ấp quản lý. Tui nhớ có lần ở ấp Giồng Sao, hai anh Minh và Hồng đã “mai phục” cả tuần lễ để “bắt nóng” tên trộm dây điện chiếu sáng. Của cải bà con bỏ ra, bà con bảo vệ cẩn thận lắm. Bây giờ xã tui có 54 tuyến đường quan trọng đều được chiếu sáng bằng 600 bóng đèn 100W, tụi trộm cướp chẳng dám bén mảng tới vì nơi đâu cũng sáng sủa, chúng khó bề hoạt động”.

Công trình chào mừng 32 năm giải phóng miền Nam của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Củ Chi đã hoàn thành với việc vận động xây lắp 8.895 bộ đèn trên 635 tuyến GTNT trị giá 59,559 tỷ đồng, trong đó nhân dân huyện đóng 30%, tương đương 17,9 tỷ đồng.

Lang thang vào xã ven sông Sài Gòn, An Phú, tôi nghe bà con kể câu chuyện rất vui. Đó là dạo nhân viên Công ty Xây lắp điện Miền Đông tháo dỡ, di dời bóng điện mà quên mặc đồng phục lẫn quên báo với xã, ấp, nên bà con ở đây bắt giữ và báo với Công an xã An Phú. Mãi cho đến khi được đơn vị thi công xác nhận, người dân mới “thả” các công nhân trên.

Anh Hồ Quang Triết, Phó Chủ tịch UBND xã An Phú, kể: “Bà con ai cũng đóng tiền nên bảo vệ kỹ lắm. Có trường hợp bà N., ông H. không chịu đóng góp, được ban ấp và Hội Phụ nữ, Hội Nông dân ấp động viên, nên sau này đóng gấp đôi, gấp ba lần. Từ ngày có đèn đường, tai nạn giao thông thưa dần, chuyện mất gà mất vịt giảm hẳn… bà con phấn khởi lắm”.

Minh Anh

Tin cùng chuyên mục