Nghĩa tình chiến khu xưa

Ban Chủ nhiệm CLB Truyền thống Lữ đoàn 316 Đặc công Biệt động Bộ tham mưu miền (B2) vừa tổ chức chương trình “Uống nước nhớ nguồn - Đền ơn đáp nghĩa” về lại căn cứ cũ để thăm hỏi, tặng quà, khám bệnh phát thuốc miễn phí cho các gia đình cơ sở cách mạng và bà con vùng chiến khu xưa.
Nghĩa tình chiến khu xưa

Ban Chủ nhiệm CLB Truyền thống Lữ đoàn 316 Đặc công Biệt động Bộ tham mưu miền (B2) vừa tổ chức chương trình “Uống nước nhớ nguồn - Đền ơn đáp nghĩa” về lại căn cứ cũ để thăm hỏi, tặng quà, khám bệnh phát thuốc miễn phí cho các gia đình cơ sở cách mạng và bà con vùng chiến khu xưa.

Đoàn bác sĩ khám bệnh cho bà con tại xã Thanh Tuyền.

Đoàn bác sĩ khám bệnh cho bà con tại xã Thanh Tuyền.

Xe bon bon trên đường về xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương - một vùng chiến khu xưa. Về đây là những người mà một thời tuổi trẻ của họ đã gắn liền với chiến tranh, với những đùm bọc yêu thương vô vàn của người dân một lòng với cách mạng.

Tại Nhà Văn hóa xã Thanh Tuyền, đoàn đã tổ chức khám bệnh, phát thuốc, tặng quà cho nhiều bà con nghèo địa phương với tổng trị giá hơn 120 triệu đồng. Xã Thanh Tuyền là nơi đóng quân của Bộ Tư lệnh Lữ đoàn 316 Đặc công Biệt động khi xưa. Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), nguyên Chính ủy Lữ đoàn, Anh hùng Lực lượng vũ trang đã ôn lại truyền thống năm xưa: “Xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng là một vùng quê nghèo, cuộc sống của bà con thuở ấy còn lắm cơ cực, nhưng một lòng son sắt với cách mạng, với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Lữ đoàn 316 đã được bà con hết lòng đùm bọc che chở, thương mến như người thân trong gia đình. Bà con đã tiếp tế thuốc men, lương thực thực phẩm và còn vận động con em của họ nhập ngũ bổ sung quân số cho đơn vị. Tại nơi đây, 38 năm trước, Lữ đoàn 316 Đặc công Biệt động đã xuất quân tiến thẳng về giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30-4-1975. Tình sâu nghĩa nặng của bà con vùng căn cứ cũ làm sao nói hết”.

300 bà con xã Thanh Tuyền đến khám bệnh, nhận thuốc và quà đều là những người có tuổi đời từ 50 đến 95 tuổi. Ôi thương biết bao nhiêu, những người em, người chị hậu phương ngày nào, giờ tóc đã bạc, lưng còng theo thời gian, nước mắt tuôn tràn khi gặp lại những chiến sĩ Lữ đoàn 316 năm xưa, giờ cũng đã già nua bóng xế. Hỏi thăm kẻ còn, người mất, vui mừng ngày gặp lại mà sao nước mắt cứ đọng trên mi.

Xúc động hơn cả khi đoàn bác sĩ tình nguyện đến khám bệnh, phát thuốc tặng quà cho mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Thép, nay đã 92 tuổi, ngụ tại ấp Lê Danh Cát. Qua 2 mùa kháng chiến chống Pháp và đánh Mỹ, mẹ vẫn kiên cường bám đất giữ làng, nuôi quân. Mẹ luôn đi đầu đấu tranh trước họng súng của quân thù, bất chấp hiểm nguy, không cho chúng đốt phá xóm làng. Mẹ nuốt đau thương vào lòng, khi chồng và 3 con của mẹ đã oanh liệt ngã xuống trên mảnh đất anh hùng này. Mẹ dốc lòng đi vận động con em trong chiến khu nhập ngũ, kêu gọi mọi người cùng đóng góp lương thực thực phẩm cho Lữ đoàn 316 Đặc công Biệt động chuẩn bị xuất quân về giải phóng Sài Gòn. Nay mẹ bệnh liệt nằm một chỗ, 2 mắt đã mù mười mấy năm qua, do ảnh hưởng những ngày bị tra tấn dã man trong nhà tù của giặc.

Tạm biệt chiến khu xưa, đoàn công tác trở về TPHCM với bao quyến luyến, bịn rịn. Những cánh tay già nua của những bà mẹ, người chị chiến khu xưa vẫy chào với nụ cười tươi vui hẹn ngày gặp lại.

NGÂN MINH

Tin cùng chuyên mục