Nghĩa tình nơi biên giới

Nhận túi quà tết nặng trĩu với rất nhiều sản phẩm thiết yếu do Ban Dân vận Thành ủy TPHCM trao tặng, bà Ksor Byan (65 tuổi, dân tộc Jrai, ở làng Dăng, xã IaO, huyện IaGrai, tỉnh Gia Lai) vô cùng xúc động. Dù nói tiếng Kinh không rành rọt, thỉnh thoảng xen lẫn tiếng dân tộc Jrai, nhưng bà Ksor Byan cho biết phần quà rất quý đối với gia đình bà khi tết đang đến gần. Ở chỗ bà không thiếu cà phê, tiêu, nhưng các loại bánh kẹo, dầu ăn thì quý lắm.
Đoàn Ban Dân vận Thành ủy TPHCM tặng quà và cờ Tổ quốc cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại xã IaO, huyện IaGrai, tỉnh Gia Lai
Đoàn Ban Dân vận Thành ủy TPHCM tặng quà và cờ Tổ quốc cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại xã IaO, huyện IaGrai, tỉnh Gia Lai

Hạnh phúc vì có quà, nhà mới

Bà Ksor Byan là một trong hơn 100 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiều số khó khăn đang sinh sống tại các xã biên giới tại tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum được nhận giỏ quà tết nhu yếu phẩm từ Ban Dân vận Thành ủy TPHCM. Hoạt động nằm trong chương trình “Dân vận khéo - Kết nối biên cương” năm 2023. Với bà con đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các xã biên giới, đây là phần chăm lo lớn từ TPHCM, giúp cái tết của họ thêm vui tươi và đầm ấm.

Không chỉ được nhận phần quà tết ý nghĩa, mùa xuân này, gia đình ông Lê Thanh Bảng (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) hạnh phúc khi được hỗ trợ phần chi phí xây lại căn nhà tạm đã xiêu vẹo. Ông Bảng nói, đã từ lâu ông mơ ước được xây lại căn nhà, nhưng thu nhập từ rẫy cà phê những năm qua không được bao nhiêu nên ước mơ đành gác lại. Nay nhận được sự hỗ trợ quý báu từ tấm lòng của các cơ quan và người dân TPHCM, gia đình ông có căn nhà khang trang như mong ước.

Điều thiêng liêng nhất đối với các đại biểu tham gia đoàn công tác chính là được trao tận tay bà con và cán bộ, chiến sĩ sinh sống, công tác ở vùng biên giới Tây Nguyên những lá cờ Tổ quốc còn thơm mùi vải mới. Khi được nhận cờ, ông Puih Thí (dân tộc Jrai, làng Dăng, xã IaO, huyện IaGrai, tỉnh Gia Lai) nhanh chóng thay lá cờ Tổ quốc đã bạc màu đang treo trước cửa nhà bằng lá cờ mới. Ông bày tỏ niềm vui khi được nhận món quà đầy ý nghĩa từ TPHCM. Trong hành trình “Dân vận khéo - Kết nối biên cương” năm 2023, đoàn công tác Ban Dân vận Thành ủy TPHCM đã trao tặng 6.000 lá cờ Tổ quốc đến người dân, các đồn biên phòng, các điểm cao biên giới của 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum.

Khi cán bộ, chiến sĩ tại Khu di tích lịch sử Điểm cao 1015 (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) hạ lá cờ Tổ quốc đã cũ xuống để thay bằng lá cờ Tổ quốc mới do TPHCM trao tặng, các đại biểu đã vô cùng xúc động. Ông Trần Lệnh Tuyến, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi, chia sẻ, vì là khu vực giáp biên giới, lại ở trên cao, xa khu dân cư, gió rất mạnh nên hầu như các lá cờ Tổ quốc tại Điểm cao 1015 rất dễ bị rách, phải được thay hàng tuần. Việc được tặng cờ Tổ quốc đúng vào dịp Tết Nguyên đán sắp đến vô cùng ý nghĩa, giúp người dân và cán bộ, chiến sĩ nơi đây hiểu sâu sắc hơn trách nhiệm của mình trong nâng cao ý thức bảo vệ vùng biên giới, đường biên cột mốc của Tổ quốc.

Tấm lòng từ thành phố mang tên Bác

Đồng chí Nguyễn Thị Bạch Mai, Phó Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TPHCM, Trưởng đoàn công tác, chia sẻ, với việc trao tặng các công trình, những phần quà hỗ trợ thiết thực, chương trình “Dân vận khéo - Kết nối biên cương” mong muốn góp một phần vào công tác an sinh xã hội cũng như chia sẻ những khó khăn với người dân và cán bộ, chiến sĩ tại vùng biên giới nhân dịp tết đến xuân về. Từ tấm lòng của người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động TPHCM, chương trình mong muốn nghĩa tình này sẽ giúp người dân vùng biên giới và TPHCM thêm gần nhau hơn.

Chương trình “Dân vận khéo - Kết nối biên cương” năm 2023 do Ban Dân vận Thành ủy TPHCM thực hiện trong những ngày cuối năm đã mang lại nhiều hoạt động ý nghĩa cho người dân tại các xã biên giới của tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum. Cụ thể, chương trình trao tặng 12 “Ngôi nhà Dân vận khéo - Nghĩa tình biên cương”, qua đó hỗ trợ kinh phí sửa chữa, xây dựng nhà tình thương cho các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các xã biên giới tại tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Đoàn cũng thực hiện công trình “Dân vận khéo - Thắp sáng đường biên”, trao tặng 35 trụ điện pin năng lượng mặt trời tại các cụm dân cư biên giới, đồn biên phòng IaO, tỉnh Gia Lai và Khu di tích lịch sử Điểm cao 1015 tại xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum; thực hiện công trình “Dân vận khéo - đồng hành sức khỏe nhân dân”, trao tặng 200 túi thuốc an sinh cho Trung tâm Y tế huyện IaGrai, tỉnh Gia Lai.

Đoàn cũng trao tặng 6.000 tập trắng, các dụng cụ học tập (gồm: hộp đựng bút, bút sáp chì màu) trong công trình “Dân vận khéo - Nâng bước em đến trường” cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhằm giúp đỡ các em có điều kiện học tập tốt hơn; trao tặng 132 giỏ quà nhu yếu phẩm “Dân vận khéo - Nghĩa tình Quân Dân” dành cho các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số, các gia đình chính sách, các gia đình chiến sĩ dân quân, biên phòng có hoàn cảnh khó khăn tại các xã biên giới.

Ngoài ra, chương trình trao tặng kinh phí chăm lo các chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại 2 đồn biên phòng trên địa bàn huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum), 2 đồn biên phòng trên địa bàn huyện IaGrai (tỉnh Gia Lai). Thăm, tặng quà 4 mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn TP Pleiku và TP Kon Tum. Tổng giá trị chăm lo gần 1,3 tỷ đồng do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; cụm thi đua 1, 2 của Đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy TPHCM; 5 huyện ngoại thành tại TPHCM cùng Bộ đội Biên phòng TPHCM, Bộ Tư lệnh TPHCM, Trung đoàn Gia Định chung tay đóng góp.

Tin cùng chuyên mục