Nghĩa tình trong mùa dịch

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây nhiều hệ lụy cho kinh tế, xã hội và đời sống, nhiều người lao động bị tạm mất việc, mất thu nhập. Trong bối cảnh đó, tại TPHCM, người dân đã có những nghĩa cử hào hiệp, những tấm lòng thơm thảo, những câu chuyện ấm áp tình dân tộc, nghĩa đồng bào. 
Người dân nhận gạo từ "ATM gạo" tại phường Tân Thới Nhất
Người dân nhận gạo từ "ATM gạo" tại phường Tân Thới Nhất

Gần đây nhất, sự xuất hiện của nhiều điểm phát gạo giúp người nghèo theo phương thức “ATM gạo” là hình ảnh đẹp, là nghĩa cử nhân ái, thiết thực và nhân văn, không chỉ lo cho người nghèo có được gạo mà còn giúp họ phòng tránh dịch bệnh. Rất nhanh, phương thức này đã được nhân rộng ở nhiều nơi và thường xuyên có nhiều người đến góp thêm gạo giúp người nghèo. Nhiều tổ chức và cá nhân đã tự nguyện lập điểm tặng khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn cho người đi đường để chung sức vận động phòng dịch. Các quán cơm 2.000 đồng, các tiệm bán xôi… vẫn nhiệt thành phát phần ăn cho người nghèo, đưa suất ăn đến tận tay để tránh tụ tập đông người. Có những điểm tặng nhu yếu phẩm cho người nghèo ghé đến tự lấy, với băng rôn ân cần nhắc “Nếu bạn khó khăn, cứ lấy một phần; nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác”. Ở nhiều bệnh viện, những suất cơm, cháo miễn phí vẫn được các nhóm thiện nguyện phát đều đặn cho bệnh nhân nghèo và người nuôi bệnh. Ở các điểm hiến máu tình nguyện, hưởng ứng đợt vận động, đang có nhiều người đến hiến máu.

Dịch Covid-19 đã làm người nghèo chịu thiệt hại nhiều nhất, thì gần như ngay lập tức người nghèo đã được giúp đỡ trước tiên. Sau khi có quy định tạm dừng hoạt động xổ số để phòng dịch, UBND TPHCM đã thông qua khoản hỗ trợ 750.000 đồng/người trong thời gian người bán vé số dạo phải nghỉ bán. Các địa phương và nhiều người hảo tâm, nhà tài trợ cũng đã có những cách giúp đỡ ngay cho những người bán vé số dạo bằng tiền mặt và hàng hóa. Yếu tố nghĩa tình bây giờ đã trở nên thường trực trong nhận thức và hành động của nhiều người dân TPHCM và trong các quyết sách của lãnh đạo TPHCM. Trong khi dịch Covid-19 tác động nhiều mặt đến từng gia đình, từng cá nhân thì yếu tố nghĩa tình lại càng đậm nét và lại càng có ý nghĩa thiết thực. 

Đại hội X nhiệm kỳ 2015-2020 của Đảng bộ TPHCM đã nêu một mục tiêu rất mới và được nhắc lại nhiều như một khẩu hiệu: “Xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. Nội dung này thực sự là một mục tiêu có ý nghĩa sâu sắc, được nhiều người xem như là mục tiêu cốt lõi của nhiệm kỳ X. Kế thừa những thành tựu phát triển TPHCM trong các nhiệm kỳ đã qua, dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XI đã đề ra mục tiêu phát triển tổng quát giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030: “Phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình (…); đẩy mạnh phát triển văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc; vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân”. Như vậy, dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XI gần như đã xác định yếu tố “nghĩa tình” không chỉ là một đặc điểm vốn có của người dân TPHCM mà còn xem đó là một kết quả, một thành tựu của Đại hội X.

Có thể sẽ mất thêm ít nhiều thời gian nữa để đẩy lùi hoàn toàn dịch Covid-19, và trong thời gian đó, chắc chắn rằng yếu tố nghĩa tình của TPHCM sẽ tiếp tục được thể hiện, tiếp tục được phát huy, như đã thể hiện ngày càng đậm nét trong mấy tháng qua. Sau dịch, chúng ta có thể tự hào rất nhiều điều, từ các quyết sách hợp lý, quyết liệt của Đảng bộ và chính quyền TPHCM đến sự nỗ lực tuyệt vời của ngành y tế, thì chúng ta cũng không quên sự nghĩa tình của người dân thành phố trong một hoàn cảnh đầy thử thách. Tất cả những điều đó góp phần tạo nên dấu ấn của một thành phố nhân văn mang tên Bác.

Tin cùng chuyên mục