Không bảo vệ được ngôi vô địch của đội tuyển U-15 nhưng với 2 bộ HCB của các đội U-13 và U-15 giành được tại các giải vô địch trẻ quốc gia, có thể ghi nhận những nét khả quan trong công tác đào tạo của Trung tâm Đào tạo VĐV bóng đá Đà Nẵng (TT.ĐTBĐ Đà Nẵng). Trước đó, những Thanh Phúc, Hữu Hùng, Văn Thương, Quang Vũ…cũng trưởng thành từ “lò đào tạo” này.

Trung vệ Phạm Hùng Dũng của Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Vy.
“Xác định nhiệm vụ đào tạo lực lượng trẻ làm nền tảng cho sự phát triển của CLB chuyên nghiệp trong tương lai nên chúng tôi vừa đào tạo theo mô hình các tuyến trẻ có thể đáp ứng yêu cầu thi đấu các giải thuộc hệ thống của VFF, vừa phải xây dựng đội ngũ kế thừa cho CLB chuyên nghiệp. Mặc dầu đã gặt hái những kết quả ban đầu song để hoàn thiện như mong muốn, vẫn còn rất nhiều việc phải làm…” - Giám đốc Trung tâm ĐTVĐVBĐ Đà Nẵng Nguyễn Văn Mùi bộc bạch.
Cho đến nay, đội ngũ HLV của Trung tâm chưa thực sự tương xứng và có thể thích ứng với từng vị trí của các tuyến. Ngay cả trình độ chuyên môn và những kiến thức cần thiết của một HLV đào tạo trẻ của một số HLV vẫn còn không ít hạn chế. Thậm chí, sau 3 năm hoạt động, Trung tâm vẫn chưa có Giám đốc Kỹ thuật, vị trí cần thiết để hoạch định chiến lược đào tạo, phát triển VĐV…làm nguồn bổ sung cho CLB chuyên nghiệp. Chưa kể đến việc các lứa U-15, sau khi đào tạo và tuyển chọn, được đưa thẳng lên CLB bóng đá Đà Nẵng. Điều này đã hạn chế rất lớn đến quá trình hoàn thiện cho từng VĐV cũng như ảnh hưởng thiếu tích cực đến quá trình đào tạo trước đó, một khi không ít “sản phẩm” trong số đó vẫn chưa “hoàn chỉnh”. Mặt khác, ít được cọ xát thực tiễn thông qua thi đấu, chính TT. ĐTVĐVBĐ Đà Nẵng không thể hoàn toàn yên tâm về các lứa VĐV do chính Trung tâm đào tạo.
Khi đặt vấn đề về việc hiệu quả đào tạo VĐV trẻ hết sức khả quan nhưng lại ít được CLB chuyên nghiệp Đà Nẵng tin dùng, ông Nguyễn Văn Mùi không giấu được vẻ đắn đo:
“Chúng ta cần có sự đồng cảm khi bóng đá chuyên nghiệp phát triển và bóng đá Đà Nẵng chưa hoàn toàn đáp ứng thực tế, việc tuyển mộ các cầu thủ chất lượng cao từ các nơi là tất yếu. Song để phát triển và tạo dựng được nền tảng vững chãi, cần phải đẩy mạnh công tác đào tạo. Đồng thời, CLB chuyên nghiệp cần sử dụng cầu thủ trẻ một cách hợp lý để tránh tình trạng làm mai một tài năng -nếu có- cũng như buộc các em phải chịu một áp lực tâm lý quá sớm…
Thực tế mới nhất tại V-League 2006, CLB Chuyên nghiệp Đà Nẵng đã có một kết quả tệ hại so với những dự báo ban đầu. Có không ít ý kiến khẳng định, do một bộ phận các cầu thủ không hề ý thức về “màu cờ, sắc áo” nên đã để những toan tính cá nhân che phủ những lợi ích chung của toàn đội. Và không quá khó để thấy điều đó! Chính vì thế, việc đào tạo VĐV trẻ để làm nguồn bổ sung cho CLB Đà Nẵng của TT.ĐTVĐVBĐ Đà Nẵng là hoàn toàn chính xác.
Vấn đề là phương pháp đào tạo theo định hướng phát triển ra sao và sử dụng những cầu thủ trẻ ấy như thế nào vẫn đang là câu hỏi rất lớn cho lãnh đạo Trung tâm. Không còn sớm để vẫn mãi loay hoay tìm lời giải một khi - ngoài Nam Định, Đồng Tháp, Sông Lam Nghệ An…từng được xem là các “lò” đào tạo trẻ bài bản - Khánh Hòa, Hoàng Anh Gia Lai, Bình Định…cũng đã có những bước tiến đáng kể khi lực lượng trẻ của họ đang từng bước khẳng định ngay cả tại V-League. Để không tồn tại những nghịch lý đáng buồn giữa đào tạo và sử dụng cầu thủ trẻ, bóng đá Đà Nẵng cần thay đổi cách nhìn theo một hướng tích cực hơn khi vẫn còn chưa muộn !”.
VŨ BẢO NGUYÊN