Trong khi một số quận huyện nội thành tỷ lệ trẻ em béo phì ngày càng tăng thì các quận huyện vùng ven, ngoại thành TPHCM vẫn còn tình trạng nhiều trẻ em suy sinh dưỡng. Sự mất cân đối này đang trở thành một nghịch lý cần được báo động, nếu không sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thể chất, trí tuệ và phát triển của thế hệ trẻ.
Nơi béo phì, nơi suy dinh dưỡng
Ôm đứa con nhỏ 14 tháng tuổi trên tay, chị Đinh Thị Tuyết Anh (ngụ tổ 19 ấp An Hòa, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, TPHCM) rầu rĩ vì cháu thuộc diện còi, nuôi mãi không lớn bằng những đứa cùng lứa khác. “Em ở nhà chăm 2 đứa con nhỏ, chồng làm thuê làm mướn chỉ đủ sống đắp đổi qua ngày nên lấy đâu ra tiền bồi bổ cho con”, chị Anh nói. Khi được hỏi có mua sữa cho con uống đều đặn hay có bổ sung vi chất dinh dưỡng gì vào bữa ăn không, chị Anh nói có nghe các bác sĩ bên trạm y tế xã hướng dẫn nhưng cũng “năm thì mười họa” mới có tiền mua sữa.
Cạnh nhà chị Anh là nhà vợ chồng anh Nguyễn Văn Hùng có 2 đứa con, một 4 tuổi và một 8 tuổi nhưng đều thuộc diện suy dinh dưỡng nặng. Đứa con nhỏ của anh Hùng gầy guộc, xanh xao mặc dù không có bệnh tật gì và chỉ nặng hơn 10kg. Đứa con lớn cũng chẳng khá hơn khi anh Hùng cho biết chỉ nặng khoảng 15kg…
Theo Trưởng trạm y tế xã An Thới Đông, chị Trương Thị Vui, cả xã hiện có 1.111 trẻ em dưới 5 tuổi và phần đông trong số đó thuộc diện suy dinh dưỡng. “Một số xã khác trong huyện cũng có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao do đời sống người dân chủ yếu lao động, nông nghiệp còn khó khăn, lại chưa có nhiều kiến thức về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ”, chị Vui phân trần.
Trong khi đó, tình trạng trẻ em thừa cân, béo phì tại các quận nội thành TP lại ngày càng gia tăng. Một cuộc khảo sát cách nay chưa lâu đối với 2.500 học sinh của 2 trường tiểu học ở quận 10 đã thực sự gây sốc cho nhiều bậc phụ huynh khi tỷ lệ trẻ bị dư cân, béo phì chiếm tỷ lệ gần 30%. Trong đó, thừa cân chiếm 20,8% và béo phì là 6,8%.
Theo Khoa Tư vấn dinh dưỡng lâm sàng - Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, bình quân mỗi ngày có tới trên dưới 100 cháu được đưa đến tư vấn về thừa cân, béo phì. Hầu hết các cháu đều trong độ tuổi 5-6 tuổi nhưng cân nặng đã vượt mức quy định vài lần, có cháu mới 9 tuổi nhưng đã nặng 110kg. Qua điều tra của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, trẻ thừa cân, béo phì gia tăng mạnh từ 15 tuổi trở xuống, nhất là trẻ từ 2-10 tuổi. “Nếu cách nay chừng 10 năm, chỉ khoảng 2,2% trẻ dưới 5 tuổi bị thừa cân, béo phì thì nay đã 11,5% (gấp 6 lần)”, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho biết.
Theo BS Diệp, trẻ thừa cân, béo phì sẽ có nguy cơ cao về vấn đề sức khỏe sau này như rối loạn chuyển hóa, tăng huyết áp, đái tháo đường… Ngược lại, trẻ suy dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, phát triển về thể chất và trí tuệ. “Cả 2 tình trạng rối loạn dinh dưỡng trên làm giảm chất lượng cuộc sống, tăng gánh nặng bệnh tật và thậm chí tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ. Từ đó sẽ ảnh hưởng lớn đến lực lượng lao động cho xã hội về sau này”, BS Diệp nói.
Cần sớm can thiệp
Nhằm tìm cách giảm bớt tỷ lệ suy dinh dưỡng cho trẻ, vừa qua Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM đã thực hiện dự án mô hình điểm phòng chống suy sinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi trong cộng đồng ở xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ. Sau 3 năm triển khai can thiệp trên gần 1.000 trẻ từ 1-3 tuổi, kết quả đạt được cho thấy giảm 1,9% tỷ lệ trẻ nhẹ cân (11,1% xuống 9,2%); giảm 8,6% thể thấp còi (21% xuống 12,4%) và giảm 2,4% thể gầy còm (5,6% xuống 3,2%).
Với kết quả trên, nhóm nghiên cứu tin tưởng nếu áp dụng nhiều biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn cách thức chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ sẽ cải thiện được phần nào đáng kể. “Để giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, chúng tôi đã làm một lúc nhiều giải pháp đồng bộ tác động lên nhiều đối tượng như cộng tác viên dinh dưỡng, giáo viên mẫu giáo, bà mẹ nuôi con và cả trẻ nhỏ”, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp cho biết. Theo đó, tập huấn kiến thức và kỹ năng thực hành dinh dưỡng hợp lý cho cán bộ y tế, cộng tác viên địa phương và giáo viên mẫu giáo; hướng dẫn bổ sung những thực phẩm giàu dinh dưỡng vào khẩu phần ăn của trẻ, gồm dầu và sữa, hướng dẫn cách chế biến thức ăn hợp lý; nuôi con bằng sữa mẹ…
“Kiến thức chăm sóc sinh dưỡng cho trẻ không quá khó và những thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho trẻ cũng không quá cao sang. Tuy nhiên, điều quan trọng đa phần bà mẹ ở các vùng ven, ngoại thành chưa cập nhật được”, BS Diệp trăn trở. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thực tế sau 3 năm Trung tâm Dinh dưỡng triển khai can thiệp, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ tại xã An Thới Đông đã giảm đáng kể nhưng đó mới chỉ là một cộng đồng nhỏ. Trong khi hiện tỷ lệ suy dinh dưỡng chung của toàn TPHCM khoảng 7%, nhất là ở huyện ngoại thành. Do đó, cần nhân rộng hơn mô hình can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng như đã làm ở xã An Thới Đông.
Ngược lại, ở một số quận nội thành, các bậc phụ huynh ngày càng chăm lo dinh dưỡng của con em mình… quá đà. Minh chứng cho điều này là những loại thực phẩm giàu chất béo, chất đạm, chất đường ngày càng tăng trong thực đơn của trẻ. Chính vì vậy, thể trạng dư cân, béo phì đang đặt ra những vấn đề về sức khỏe đối với thế hệ trẻ. Một khảo sát mới đây của Khoa dinh dưỡng BV Nhi đồng 1 TPHCM trên 300 trẻ từ 2 tuổi bị béo phì đến thăm khám, cho thấy một nửa trong số đó bị gan nhiễm mỡ, hầu hết đều thèm ăn các thực phẩm ngọt, béo.
Điều đáng nói, theo nhận định của Sở Y tế TPHCM phần đông trẻ dưới 15 tuổi, nhất là trẻ dưới 5 tuổi hiện nay theo học bán trú, nhưng hầu hết các trường chưa có chế độ ăn riêng cho trẻ suy dinh dưỡng và trẻ thừa cân, béo phì; kiến thức dinh dưỡng của cô nuôi dạy trẻ, của các cơ sở cung cấp suất ăn chưa được triển khai đại trà và củng cố thường xuyên, việc quản lý theo dõi, đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ ở trường học chưa thống nhất và triển khai tốt…
| |
Tường Lâm