Nghịch lý khám chữa bệnh

Mặc dù ngành y tế đã nỗ lực để giảm tải tại các bệnh viện (BV) công lập, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm thiểu sự phiền hà cho người bệnh, nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong muốn. Khoảng cách phân biệt đối xử giữa khám chữa bệnh dịch vụ và bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng giãn xa; tình trạng quá tải vẫn diễn ra; thời gian người bệnh chờ đợi chưa rút xuống… trong khi các BV tư nhân được đầu tư bài bản, quy mô lại hoạt động chưa hết công suất.
Nghịch lý khám chữa bệnh

Mặc dù ngành y tế đã nỗ lực để giảm tải tại các bệnh viện (BV) công lập, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và giảm thiểu sự phiền hà cho người bệnh, nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong muốn. Khoảng cách phân biệt đối xử giữa khám chữa bệnh dịch vụ và bảo hiểm y tế (BHYT) ngày càng giãn xa; tình trạng quá tải vẫn diễn ra; thời gian người bệnh chờ đợi chưa rút xuống… trong khi các BV tư nhân được đầu tư bài bản, quy mô lại hoạt động chưa hết công suất.

Nghịch lý khám chữa bệnh ảnh 1

Bệnh nhân khám bảo hiểm y tế tại một bệnh viện ở TPHCM


Chờ nửa ngày, khám 5 phút

Lâu rồi chưa kiểm tra sức khỏe, cuối tháng 9 vừa qua, chúng tôi đã tranh thủ đến BV (ở TPHCM) đã mua BHYT khám chữa bệnh ban đầu để khám. Mặc dù mới 6 giờ nhưng bệnh nhân đã ngồi đông nghịt, tràn ra cả lối đi. Ngay khi chúng tôi đưa thẻ BHYT vào khu vực khám, một nhân viên quầy hướng dẫn nhanh nhảu: “Anh muốn khám dịch vụ hay BHYT?”. Chúng tôi đề nghị khám BHYT thì được bấm số thứ tự: 412. Thấy chúng tôi nhăn mặt vì bảng điện tử mới đến 76, cô nhân viên an ủi: “Đi đâu khoảng 3 tiếng nữa quay lại”. Vì là đi khám sức khỏe, sợ rằng sẽ lấy máu xét nghiệm, chúng tôi đành nhịn ăn sáng và bắt đầu lê la cho hết thời gian… Đúng 10 giờ, chúng tôi quay lại thì bảng điện tử vẫn mới đến con số hơn 300. Lại phải chờ! Mãi đến hơn 11 giờ, chúng tôi mới được vào khám ở phòng số 10 - Nội tổng quát. Cô điều dưỡng bỏ qua phần đo huyết áp, bác sĩ hỏi dồn: “Bị bệnh gì, sao lại đi khám?”. Tôi khai rằng dạo này hay đau lưng, tiểu đêm nhiều, mệt mỏi, đề nghị được xét nghiệm máu, siêu âm tổng quát bụng, X-quang, nhưng bác sĩ phán luôn: “Siêu âm đen trắng bụng”… Ngồi trước cửa phòng siêu âm thêm hơn nửa tiếng nữa, chúng tôi mới đến lượt. Tính ra, cả khám và siêu âm chưa mất hết 5 phút nhưng đã phải bỏ ra nửa ngày!

Vòng qua một loạt BV như Ung bướu, Nhân dân Gia Định, Từ Dũ…, chúng tôi cũng chứng kiến cảnh chờ đợi của người bệnh, có nhiều bệnh nhân phải đi khám từ 4 giờ. Một bác sĩ ở BV Ung bướu than thở: “Mỗi buổi sáng khám tới 50 - 60 bệnh nhân mà không xuể. Chuyện chờ cả ngày là bình thường”... Vừa qua, BV Ung bướu phải triển khai khám bệnh từ 5 giờ để đáp ứng nhu cầu cho người bệnh. Tại cuộc họp về cải cách hành chính mới đây với Chính phủ, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng bức xúc vì người dân đi khám bệnh từ 3 giờ - 4 giờ mà phải chờ đến 14 giờ - 15 giờ mới được khám bệnh trong 10 phút. “Điều này đang xảy ra ở hầu hết các BV của TPHCM”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói.

Nghịch lý công - tư

Bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu TPHCM, cho biết những ngày cao điểm, BV tiếp nhận khoảng 1.600 - 1.800 bệnh nhân đến khám chữa bệnh. “Người dân thường có thói quen đi khám bệnh vào buổi sáng và đi từ rất sớm, vì thế lượng bệnh dồn về thường rất đông, tốn nhiều thời gian chờ đợi, gây quá tải, tạo áp lực cho y, bác sĩ”, bác sĩ Minh cho hay. Tại các BV như Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Chấn thương chỉnh hình, mỗi ngày khám cho hàng ngàn người bệnh, thậm chí lúc cao điểm, các BV nhi tiếp nhận 4.000 - 5.000 bệnh nhân/ngày… Trong khi đó, nghịch lý ở chỗ nhiều BV tư, phòng khám đa khoa được đầu tư quy mô lại hoạt động không hết công suất. Có thể dẫn ra vài ví dụ: BV Quốc tế IPAK (quận 2) có quy mô tới 500 giường, thiết kế và trang bị hiện đại, đẳng cấp quốc tế nhưng chỉ mới vận hành được 100 giường; đã nhận bệnh từ 3 năm qua, nhưng BV Quốc tế City (quận Bình Tân) cũng đang cải tổ lại bộ máy để phù hợp với nhu cầu và giá trị dịch vụ.

 Một số BV tư khác cũng rơi vào cảnh tương tự, như BV Quốc tế V.A (quận Gò Vấp), STO Phương Đông, ngay cả nơi được đánh giá hoạt động tốt hơn như BV Hoàn Mỹ Sài Gòn thì cũng thu hút người bệnh chưa tương xứng với điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự sẵn có. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện nay cả nước có 157 BV tư nhân, nhưng khoảng 15%  trong số đó đạt được tỷ lệ sử dụng giường bệnh trên 60%, số còn lại chỉ hoạt động 30% - 50% công suất thiết kế. 

Tại sao dịch vụ tốt mà BV tư cứ phải thoi thóp, trong khi dịch vụ ở BV công vẫn quá tải? Giải pháp nào khai thác công suất giường bệnh dư thừa của các BV tư, giảm tải cho BV công mà quyền lợi người bệnh vẫn đảm bảo? Các chuyên gia y tế cho rằng cần triển khai khoa vệ tinh của BV công tại BV tư. “Chúng tôi có đầy đủ cơ sở, thiết bị để triển khai những kỹ thuật tiên tiến, hợp tác làm khoa vệ tinh kỹ thuật cao với các BV công”, bác sĩ Mai Tiến Dũng, Tổng Giám đốc BV Quốc tế IPAK, nói. Theo các chuyên gia y tế, hợp tác y tế công - tư vẫn còn khá khiêm tốn và vẫn chưa khai thác tiềm năng, lợi thế lẫn nhau. “Thực ra nguyên nhân vì cơ chế cũng có một phần, nhưng có một thực tế là rất nhiều BV công vẫn muốn quá tải. Họ không chịu nhả”, một chuyên gia y tế nhìn nhận. Mới đây, BV Nhi đồng 1 và BV Triều An (BV tư) đã ký kết đề án hợp tác Phòng khám nhi do các bác sĩ BV Nhi đồng 1 trực tiếp khám và điều trị, nhưng như thế là rất ít.

Theo ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cần đẩy mạnh mô hình phòng khám công - tư kết hợp, trong đó BV công lấy thương hiệu và đội ngũ bác sĩ của BV kết hợp với vốn của tư nhân để mở các phòng khám, giúp giảm tải khám bệnh. Ngoài ra, các chuyên gia y tế cho rằng cần có cơ chế cụ thể để các BV công quá tải mở khoa vệ tinh tại các BV tư dôi dư công suất. Nếu không, chủ trương của Bộ Y tế là mỗi bác sĩ khám không quá 50 bệnh nhân (BHYT, khám thường) và 35 người bệnh (dịch vụ) trong một ngày làm việc 8 giờ là khó khả thi!

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục