Thời gian gần đây, hàng loạt doanh nghiệp liên doanh và sản xuất xe máy trong nước ồ ạt đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đưa sản lượng nguồn cung vượt xa cầu; tỷ lệ nội địa hóa cũng được nâng lên đạt mức 70%-80%. Tuy nhiên, có một nghịch lý, dù nguồn cung dư thừa và tỷ lệ nội địa hóa tăng nhanh nhưng giá xe vẫn cao ngất ngưởng.
Tồn kho xấp xỉ 50%
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tính 10 tháng năm 2011, lượng xe máy sản xuất, lắp ráp trong nước đã vượt mức 3,37 triệu chiếc, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng trong tháng 10-2011, lượng xe máy sản xuất, lắp ráp trong nước đạt 398.800 chiếc, tăng 25,6% so với tháng 10-2010.
Điều đáng lưu ý, trong khi cả sản lượng sản xuất lẫn chỉ số ngành đều tăng ở mức cao nhưng tốc độ tiêu thụ của nhóm sản phẩm này lại tăng chậm hơn, chỉ đạt 18%. Tính đến thời điểm 1-10, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp xe máy tăng đến 49,5% so với cùng thời điểm năm trước.
Dù vậy, bất chấp nguồn cung tồn đọng, chỉ số tồn kho đang ở mức báo động và nhu cầu tăng trưởng chậm, trong vòng 1 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp sản xuất xe máy, đặc biệt các đơn vị liên doanh vẫn liên tiếp công bố các kế hoạch mở rộng đầu tư, tăng năng lực sản xuất. Trong đó, riêng liên doanh Honda với thị phần chiếm khoảng 60% thị trường xe máy Việt Nam đang đầu tư thêm 70 triệu USD để mở rộng quy mô sản xuất. Với việc đầu tư này, liên doanh Honda đã nâng tổng công suất của hai nhà máy tại Vĩnh Phúc từ 1,5 triệu chiếc lên 2 triệu chiếc/năm. Chưa dừng lại ở đây, mới đây liên doanh này tiếp tục công bố xây dựng nhà máy thứ 3 tại Khu công nghiệp Đồng Văn 2 (Hà Nam) với số vốn đầu tư hơn 120 triệu USD, đưa tổng công suất của cả 3 nhà máy lên mức 2,5 triệu chiếc/năm.
Tương tự, cách đây chưa lâu, nhà sản xuất xe máy Yamaha của Nhật Bản cũng quyết định đầu tư thêm gần 30 triệu USD để mở rộng nhà máy, tăng năng lực sản xuất lên khoảng 1,5 triệu chiếc/năm.
Tiếp đến, hồi đầu tháng 4-2011, hãng sản xuất xe tay ga đến từ Italia là Piaggio Việt Nam cũng động thổ, mở rộng nhà máy tại Vĩnh Phúc để nâng công suất lên mức 300.000 xe/năm.
Thuế giảm, giá xe tăng!
|
Theo thống kê mới nhất, Việt Nam hiện có hơn 60 doanh nghiệp tham gia ngành công nghiệp xe máy, trong đó có 50 doanh nghiệp trực tiếp tham gia sản xuất, còn lại là lắp ráp. Điểm đáng mừng là tỷ lệ nội địa hóa của các loại xe sản xuất, lắp ráp trong nước đang tăng nhanh và ở mức cao, trên 50%. Một số dòng xe của Honda Việt Nam như Vision, Wave hay Super Dream, thậm chí đã vượt mức 80%.
Theo quy luật, cung cao hơn cầu và tỷ lệ nội địa hóa cao là điều tốt, để thị trường cạnh tranh và kéo giá xe rẻ hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay ngành xe máy đang đi ngược với quy luật thị trường, dẫn đến người tiêu dùng bị thiệt thòi vì phải mua giá xe cao, trong khi các doanh nghiệp vừa thu lợi nhuận nhiều, vừa được giảm thuế nhờ nội địa hóa tăng.
Bởi theo quyết định của Bộ Tài chính về nhập khẩu linh kiện, nếu các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất xe máy đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 0% đến 20% sẽ áp dụng mức thuế nhập khẩu 60%; trên 20% đến 30% áp mức thuế 50%; trên 60% đến 70% áp dụng mức 10%; trên 70% đến 80%, thuế nhập khẩu chỉ còn 5%. Tuy nhiên, từ trước đến nay chưa thấy một doanh nghiệp sản xuất xe máy nào công bố giảm giá bán khi đạt được mức tỷ lệ nội địa hóa tăng lên.
Ngược lại, nhiều dòng xe của hãng Honda như AirBlade, PCX, SH và gần đây nhất là dòng Vision khi tung ra thị trường giá đều cao ngất ngưởng, chỉ thấp hơn xe nhập khẩu nguyên chiếc 10%-15%/chiếc, tùy loại. Đơn cử, giá một chiếc AirBlade thời điểm cao nhất trên thị trường trên dưới 40 triệu đồng/chiếc, trong khi xe nhập trên 50 triệu đồng/chiếc hay chiếc PCX trong nước có giá trên dưới 60 triệu đồng so với xe nhập khẩu trên dưới 70 triệu đồng/chiếc; Honda SHi nhập khẩu từ Italia, có giá bán tương đương 170-180 triệu đồng/chiếc, trong khi xe trong nước sản xuất có giá trên dưới 150 triệu đồng/chiếc.
Đáng nói, căn cứ vào biểu thuế của Bộ Tài chính, mặt hàng xe 2 bánh, tùy dung tích xi lanh có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi khoảng 90%, cộng thêm thuế GTGT 10%; trừ trường hợp nhập khẩu từ Thái Lan có C/O mẫu D và hàng hóa thỏa mãn điều kiện được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt CEPT cũng chịu thuế thấp nhất 15%.
Như vậy, nếu so sánh với giá xe máy sản xuất trong nước đạt tỷ lệ nội địa hóa cao (như các doanh nghiệp báo cáo) so với xe nhập nguyên chiếc chịu thuế nhập khẩu như hiện nay thì mức giá xe sản xuất, lắp ráp trong nước phải thấp hơn 1/2 mới hợp lý. Rõ ràng trong trường hợp này, người tiêu dùng đang chịu thiệt vì phải mua xe giá cao, trong khi nhà nước lại thất thu thuế khi giảm thuế để khuyến khích nội địa hóa ngành xe máy.
Lạc Phong