Nghịch lý nhà văn hóa phường

Chúng tôi làm một cuộc khảo sát nhỏ, hỏi ý kiến một số người dân sống tại TPHCM nhận xét về hoạt động của các nhà văn hóa (NVH) phường, hầu hết đều phàn nàn rằng NVH phường hoạt động èo uột, có mà như không. Đó là thực trạng chung ở các NVH phường hiện nay.
Nghịch lý nhà văn hóa phường

Chúng tôi làm một cuộc khảo sát nhỏ, hỏi ý kiến một số người dân sống tại TPHCM nhận xét về hoạt động của các nhà văn hóa (NVH) phường, hầu hết đều phàn nàn rằng NVH phường hoạt động èo uột, có mà như không. Đó là thực trạng chung ở các NVH phường hiện nay.

Lãng phí cơ sở vật chất

Chị Vân ngụ ngay sát NVH phường Cát Lái (đường Nguyễn Thị Định, quận 2) thừa nhận: “Cả nhà tôi chưa ai từng vô sinh hoạt tại NVH phường. Chỉ thấy thỉnh thoảng có vài nhóm đem dàn âm thanh tới đó để học khiêu vũ ngoài sân vào buổi tối, còn ban ngày rất ít khi thấy mở cửa”. Ngang qua NVH phường Thảo Điền (đường Thảo Điền, quận 2) chúng tôi thấy tấp nập người ra vào, nhưng không phải để tham gia sinh hoạt, mà chỉ để ăn trưa hoặc làm tóc, vì có quán cơm trưa văn phòng và salon tóc thuê lại khuôn viên nơi đây. NVH phường 14, quận Bình Thạnh (đường Nguyễn An Ninh) đóng cửa im ỉm. Các cư dân gần đó khẳng định một năm NVH chỉ mở cửa chừng vài lần để họp, thật lãng phí cơ sở vật chất. NVH phường 1, quận Bình Thạnh (đường Đinh Tiên Hoàng) khá rộng rãi nhưng cũng cửa đóng then cài ngày này qua ngày khác.

Tìm đến NVH phường 4, quận 10 (đường Bà Hạt), chúng tôi thấy có nhiều người ra vào, tiếng nhạc rộn ràng. Thế nhưng khi được hỏi về các nội dung hoạt động, người đang trông coi nơi đây ngơ ngác trả lời: “Làm gì có hoạt động gì, ở đây người ta thuê để mở mấy lớp học khiêu vũ dành cho người lớn thôi. Muốn học khiêu vũ thì lên đăng ký với giáo viên”. Khi chúng tôi hỏi về các phòng chức năng như thư viện sách, phòng sinh hoạt cộng đồng…, ông này xua tay bảo không có. Tương tự, dù có mặt bằng đẹp nhất và diện tích rộng như một NVH quận, nhưng NVH phường 1, quận 10 (đường Lý Thái Tổ) lại hoạt động hoàn toàn không đúng chức năng. Tất cả các phòng ốc đều được cho tư nhân thuê làm phòng gym nam, phòng gym nữ, phòng dạy đàn… Chúng tôi hỏi một người quản lý phòng gym thì được cho biết mấy năm nay không thấy NVH có hoạt động cộng đồng, hội họp nào cả.

Lớp Anh văn miễn phí dành cho trẻ em tại NVH phường 10, quận 10

Cần quy hoạch lại

Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được một NVH hoạt động hiệu quả, đó là NVH phường 10, quận 10 (đường Lê Hồng Phong). Nơi đây không chỉ được dùng làm nơi họp của các đoàn thể của phường, tổ dân phố và thông tin tuyên truyền, mà thực sự là điểm sinh hoạt văn hóa thiết thực cho người dân trong phường. Hàng năm, NVH phường 10 tổ chức rất nhiều lớp học miễn phí dành cho trẻ em, như lớp võ, thể dục nhịp điệu, nhảy hiện đại, Anh văn cấp 1, Anh văn cấp 2. Cũng có các lớp dạy nghề dành cho người lớn và các sinh hoạt CLB cờ tướng, CLB đờn ca tài tử, CLB võ thuật… Ngoài ra, còn có 2 phòng đọc sách với trên 6.000 đầu sách. Ngày nào các em nhỏ cũng có thể tới NVH để vui chơi, đọc sách. Chị Thái Thị Đa Đa, chuyên trách NVH phường 10, cho biết: “Dù nằm trong hẻm nhưng NVH phường 10 luôn phát huy tối đa công năng, xây dựng các loại hình học tập, vui chơi giải trí đa dạng. NVH phường 10 cũng mở một số lớp học có thu phí để lấy kinh phí duy trì hoạt động và trang trải cho các lớp học miễn phí. Nhiệm vụ chính của NVH phường vẫn là chú trọng đến việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trong phường”.

Nhưng cũng không dễ nhân rộng bài học kinh nghiệm của NVH phường 10, quận 10. Lý giải về hoạt động èo uột của NVH phường 14, quận Bình Thạnh, bà Nguyễn Thị Thủy, Chủ tịch UBND phường 14, cho biết: “Gọi là NVH phường nhưng diện tích quá nhỏ hẹp nên không thể quy hoạch đầy đủ các phòng chức năng, chủ yếu chỉ để hội họp. Các lớp học hoặc hoạt động lớn đều phải liên hệ với Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu kế đó hoặc NVH quận để mượn mặt bằng. Hơn nữa, NVH phường quá gần NVH quận và Trung tâm Thể dục thể thao quận, nên thành ra thừa, khó tổ chức hoạt động”.

Để xây dựng đời sống văn hóa trong khu dân cư, mỗi phường đều có các thiết chế văn hóa - thể thao như NVH, trung tâm TDTT… Tuy nhiên, hiện nay các thiết chế này phù hợp với các vùng nông thôn ngoại thành hơn là các phường ở nội thành TPHCM. Nhiều NVH phường bị bỏ lãng phí, không thể khai thác được công năng do quá gần nhau và cư dân địa phương dễ dàng đến sinh hoạt ở những tụ điểm khác quy mô lớn hơn, nội dung sinh hoạt phong phú hơn, hấp dẫn hơn so với hoạt động khiêm tốn của NVH cấp phường. Để giải quyết nghịch lý của NVH phường, nên quy hoạch lại thành NVH liên phường, trang bị đầy đủ, nội dung sinh hoạt văn hóa cần đa dạng, phong phú, phù hợp với nhu cầu của cư dân.

PHƯƠNG UYÊN

Tin cùng chuyên mục