Hồ Văn Lợi vẫn miệt mài cùng Thép MN.CSG, Quang Trường dù đã bên kia sườn dốc sự nghiệp những vẫn miệt mài “cày ải” trong màu áo HP.HN, Văn Sỹ Sơn vừa mãn hạn treo giò cũng lập tức được bổ sung vào quân số P.SLNA,… Phải chăng cựu binh đang lên ngôi trong làng bóng đá Việt Nam?
Trong vài mùa giải gần đây, các CLB Việt Nam đã ồ ạt trẻ hóa và đã từng giới thiệu được những cầu thủ đầy triển vọng. Đồng Tháp với lứa Thanh Bình, Việt Cường, Văn Pho…, Nam Định là Xuân Phú, Văn Nhiên, Trọng Lộc… và nhiều nhất là SLNA với những Văn Quyến, Quốc Vượng, Thanh Hoàn, Lâm Tấn, Minh Đức… Vậy nhưng hãy điểm lại xem những gương mặt từng được kỳ vọng là “thế hệ vàng thứ 2” của BĐVN đang đứng ở đâu?

“Lão tướng” Hồ Văn Lợi (TMN.CSG).
Không khó để nhận ra một thực tế rằng, những cầu thủ từng rất được kỳ vọng ấy đã không thể đạt đến đẳng cấp như chúng ta mong đợi. Văn Quyến, Quốc Vượng – hai cái tên được nhắc đến nhiều nhất thì đang trong trại tạm giam, Việt Cường, Văn Pho, Quý Sửu có dấu hiệu chựng lại, Thanh Bình thì khi tỏ khi mờ.
Phải chăng càng thi đấu, các “sao” của chúng ta lại càng mờ đi? Thật khó để tìm ra câu trả lời nào khác ngoài việc công tác đào tạo trẻ vẫn chưa được thực hiện một cách bài bản, kỹ lưỡng. Giáo dục đạo đức bị xem nhẹ và hậu quả là những Quốc Anh, Văn Quyến, Quốc Vượng… đã vào trại tạm giam.
Công tác đào tạo chuyên môn cũng chưa thật tốt. Một cầu thủ trẻ muốn đạt đến đỉnh cao phong độ bên cạnh sự tu dưỡng của bản thân, cần có sự chăm sóc liền mạch từ các HLV chứ không phải cứ khi đưa họ lên đội hình một là các tài năng sẽ tự “chín”. Đó là một nghịch lý lớn và hậu quả là chúng ta có thể bỏ phí cả một thể hệ rất có tiềm năng phát triển.
Đào tạo không liền mạch, hoàn chỉnh nên sau lứa Văn Quyến, Thanh Bình… đến thời điểm này bóng đá Việt Nam vẫn chưa cho “ra lò” được những cầu thủ mới. Nhìn vào V.League 2006, hầu như không thấy những tên tuổi kiểu dạng như Quốc Anh, Phước Vĩnh hay Thanh Bình như trước đây. Số cầu thủ mới xuất hiện, phần nhiều là biện pháp “chữa cháy” của các CLB trong cảnh thiếu quân hơn là sự tin tưởng vào các cầu thủ trẻ. Và như vậy, khó có thể hy vọng những nét tươi mới trên bức tranh tổng thể BĐVN ở mùa giải mới bởi những cái tên đều đã trở nên quá quen thuộc.
“Măng” chưa kịp mọc hoặc vừa mọc đã bị “sâu” cắt ngọn, thế nên, các cựu binh đương nhiên vẫn được trọng dụng. Văn Sỹ Sơn không còn thời đỉnh cao phong độ, lại dính “chàm” nhưng vẫn được P.SLNA – CLB được coi là mạnh nhất về đào tạo trẻ hiện nay, vẫn trọng dụng.
Lão tướng Hồ Văn Lợi vẫn tiếp tục xỏ giày ra sân dù cách đây không lâu anh đã tuyên bố treo giày. Ở Hải Phòng, dù đã qua “băm” nhưng Trường Giang, Hồng Trường vẫn là những trụ cột khó thay thế. Quang Trường vẫn là đội trưởng của HP.HN, bất chấp những bước chạy đã trở nên rất nặng nề.
Ở châu Âu, sở dĩ những P.Maldini, Bergkamp, Stam… vẫn chơi tốt bởi họ có tố chất và yếu tố nổi trội về thể hình. Còn ở châu Á mà đặc biệt là người Việt vốn nhỏ con, tuổi tác trở thành gánh nặng và nếu đã “ngoài băm”, khó có thể chơi tốt.
Thế nhưng trong bối cảnh “tre đã quá già mà măng vẫn chưa kịp mọc”, các lão tướng vẫn phải xỏ giày ra sân. Đó chính là nghịch lý thể hiện sự mất cân bằng giữa phần ngọn và phần gốc mà bóng đá Việt Nam đang phải gánh chịu.
Tường Khôi