Nghịch lý việc làm và thất nghiệp

Tình hình kinh tế - xã hội TPHCM năm nay dự báo sẽ còn tiếp tục khó khăn nên sẽ không tránh khỏi tình trạng dịch chuyển lao động trên thị trường. Bên cạnh việc khan hiếm lao động, tình trạng thất nghiệp cũng đang làm đau đầu cơ quan quản lý nhà nước.

Theo khảo sát, số người thất nghiệp không chỉ là nhân lực phổ thông mà cả lao động có tay nghề, thậm chí là nhân lực chất lượng cao. Nói một cách chính xác hơn, đó là sự dịch chuyển lao động vì đa phần người hưởng chính sách thất nghiệp đều tìm được việc làm mới. Khan hiếm lao động đã rõ, nhưng thất nghiệp tại TPHCM có thể do các nguyên nhân: Muốn chuyển chỗ làm việc với thu nhập cao hơn; sinh viên mới ra trường chờ chọn lựa việc làm phù hợp, thu nhập cao; không phù hợp với ngành nghề đã học và thiếu các kỹ năng nghề nghiệp; có nguồn thu nhập ổn định nên không muốn làm việc; tự tạo việc làm, làm việc khu vực kinh tế phi chính thức; khó tìm việc vì lý do sức khỏe ngại đi làm xa...

Tình trạng phân bố nhân lực không đồng đều giữa các khu vực kinh tế, ngành kinh tế đã gây ra tình trạng mất cân đối nhu cầu nhân lực và nhu cầu việc làm. Điều quan tâm là khu vực kinh tế phi kết cấu chiếm tỷ lệ trên 40% và đang có xu hướng tăng với đa dạng ngành nghề, nhiều chỗ làm việc mới thu hút lao động từ khu vực kinh tế chính thức.

Thị trường lao động những năm gần đây tại thành phố luôn vừa thừa vừa thiếu, từ lao động phổ thông trong các ngành chế biến, sản xuất, xây dựng, dịch vụ… và lao động chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật, quản lý sản xuất – kinh doanh.

Để khắc phục những hạn chế trên cần có lộ trình lâu dài với nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể, đối với doanh nghiệp nên chú trọng xây dựng kế hoạch nhân lực trung hạn và dài hạn về cơ cấu ngành nghề, quy mô, chất lượng và thông tin về nhu cầu xã hội; xây dựng những chính sách về đào tạo, nâng cao tay nghề, nâng cao năng suất lao động, tiền lương, phúc lợi và khen thưởng để thu hút nhân lực phù hợp thực tế đời sống xã hội và giá trị sức lao động, đặc biệt đối với lực lượng lao động kỹ thuật, lao động phổ thông.


Trần Anh Tuấn (Phó giám đốc Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM)

Tin cùng chuyên mục