Nghịch lý vốn đầu tư mạo hiểm

Phong trào hỗ trợ khởi nghiệp (startup) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) trên cả nước nở rộ thời gian qua càng thêm khẳng định startup là công cụ để tạo bước nhảy đột phá cho nền kinh tế, cũng như tiềm năng tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư. 
Trên thực tế, việc lựa chọn “gửi gắm” đồng vốn vào startup Việt vẫn là quyết định rất khó khăn từ nhiều phía. Bản thân nhà quản lý cũng đang lúng túng tìm mô hình cho quỹ đầu tư mạo hiểm cấp quốc gia.
Nghịch lý vốn đầu tư mạo hiểm ảnh 1 Giới thiệu dự án khởi nghiệp để gọi vốn tại Saigon Innovation Hub
 Giảm thương vụ, tăng quy mô vốn
Startup đang phát triển mạnh mẽ trong phạm vi cả nước. Theo số liệu thống kê không chính thức, Việt Nam hiện có khoảng 15.000 startup đang hoạt động, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TPHCM. Có những điểm nhấn được một số startup Việt tạo ra như các dự án mWork, Prime Circa, Appota, Divmob, Colorbox, DesignBold… gây tiếng vang lớn trên thị trường quốc tế; nhiều startup đã thắng các cuộc thi khởi nghiệp quốc tế và tham gia tranh tài với các doanh nghiệp khác trên toàn thế giới như Hachi, hiSella, Younet, Umbala, Triip.me… Tiềm năng của startup được khẳng định rõ nét qua các thương vụ đầu tư hàng triệu USD vào Lozi, Momo, OnOnPay…
Phát triển song hành với cộng đồng startup, thị trường đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam không chỉ là mảnh đất của các quỹ nước ngoài như IDG Ventures Vietnam, Cyber Agent, Mekong Capital, DFJ Vina Capital mà còn có sự tham gia tích cực của các quỹ nội địa SeedCom, FPT Ventures, CMC Innovation Fund…
Thêm vào đó, mô hình tổ chức thúc đẩy kinh doanh đã chứng minh được tính khả thi và mức độ hiệu quả thông qua quá trình tiên phong thử nghiệm của Vietnam Silcon Valley Accelerator. Kéo theo đó là sự ra đời của Hatch Ventures, Viettel Accelerator, Microsoft Class Expara, VIISA… Bản thân các vườn ươm doanh nghiệp nhà nước cũng đang trong quá trình nghiên cứu để chuyển dịch mô hình, hỗ trợ tốt hơn cho startup. 
Thế nhưng, đối lập với nguồn vốn đầu tư tương đối lớn từ các quỹ, startup Việt Nam lại không đủ khả năng đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn đầu tư. Nhìn lại thị trường đầu tư mạo hiểm những năm gần đây cho thấy, các thương vụ đầu tư mạo hiểm không có xu hướng tăng, thậm chí giảm, còn số lượng vốn đầu tư bình quân trên từng thương vụ lại gia tăng đáng kể, dù vậy lại tập trung vào vài dự án lớn, thiếu hẳn hoặc vắng bóng các khoản đầu tư nhỏ ban đầu (vốn gieo mầm) - nguồn vốn mang yếu tố thúc đẩy startup hoàn thiện sản phẩm, kiểm tra phản ứng của thị trường và thử nghiệm các chiến lược, mô hình kinh doanh khác nhau. 
Cần vốn đối ứng từ Chính phủ
Một trắc nghiệm thường hay đề cập đến câu chuyện đầu tư vào startup là: Giả sử có 1 tỷ đồng đầu tư trong 10 năm và cho 2 lựa chọn. Theo đó, với phương án A: có thể 90% thất bại và chỉ 10% thành công nhưng tạo ra 200 tỷ đồng (lợi nhuận 200 lần); còn phương án B: sẽ có 90% thành công và tạo ra 2 tỷ đồng (lợi nhuận 2 lần), chỉ có 10% thất bại. 
Các chuyên gia đánh giá, mô hình hệ thống Tổ chức Thúc đẩy kinh doanh (BA) cần được nhân rộng tại Việt Nam. Đây là hệ thống các doanh nghiệp đặc biệt, có khả năng sinh lời cao thông qua việc đầu tư vào các startup có ý tưởng kinh doanh tốt. Hệ thống này bao gồm các doanh nhân đã thành đạt trong việc tạo lập các doanh nghiệp, họ là những chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, luật pháp, quản lý công nghệ, đầu tư… Họ có nguyện vọng truyền đạt kinh nghiệm và cùng góp vốn đầu tư vào các startup. Hiện đề án Thung lũng Silicon Việt Nam đang thử nghiệm hệ thống này tại TPHCM; đến nay đã đầu tư 50 nhóm, 30 trong số đó đang hoạt động tốt và 16 nhóm đã gọi được vốn vòng tiếp theo.
Theo thạc sĩ Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm đề án Thung lũng Silicon Việt Nam, đa số các nhà đầu tư sẽ lựa chọn phương án B mặc dù giá trị cơ hội của phương án A lớn hơn phương án B. Dẫn giải thêm, ông Thạch Lê Anh lấy ví dụ, Silicon Valley ở Mỹ được thế giới coi là thánh địa công nghệ toàn cầu với khoảng 14.000 - 19.000 startup cùng 1,7 - 2,2 triệu nhân viên công nghệ cao. Nhưng để có được những thành công như vậy, phải kể đến sự góp mặt của các quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư Thiên thần. Theo thống kê của NVCA (National Venture Capital Associates), nếu mỗi năm nước Mỹ thu hút từ 50 - 60 tỷ USD đầu tư mạo hiểm, thì Silicon Valley chiếm khoảng một nửa số này. Nguồn vốn đầu tư này ước tính xấp xỉ 0,23% GDP nhưng đã tạo ra 21% GDP và 11% việc làm mỗi năm cho nước Mỹ. 
Ở khía cạnh khác, theo ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Vườn ươm Doanh nghiệp phần mềm Quang Trung, kinh nghiệm từ các nước cho thấy quỹ đầu tư mạo hiểm phải có sự đối ứng, đồng hành, khởi phát từ Chính phủ. Bằng chứng ở Singapore, chính phủ nước này đầu tư đối ứng lên tới 3 triệu USD cho mỗi quỹ được thành lập; Tổng thống Ấn Độ vừa công bố khoản đầu tư 4 tỷ USD cho hệ sinh thái startup; còn Hàn Quốc dự kiến đầu tư 2,91 tỷ USD vào các startup thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân ở các giai đoạn khác nhau. Nếu Việt Nam muốn tập trung phát triển startup để làm đòn bẩy kinh tế, Chính phủ cần tham gia đầu tư trực tiếp để kích thích tăng trưởng về số lượng và chất lượng startup, đặc biệt trong giai đoạn đầu.
Trong thời gian tới, cần sớm thành lập hiệp hội đầu tư mạo hiểm. Khi đó, để giảm thiểu rủi ro cho việc đầu tư, hiệp hội sẽ thường xuyên đưa ra các khuyến cáo cho nhà đầu tư về các công nghệ hiện có, dự báo những phát triển của công nghệ trong tương lai; đồng thời, hiệp hội cũng góp tiếng nói để Chính phủ và những nhà lập pháp đưa ra những chính sách đáp ứng nhu cầu thực tiễn hơn… 

Tin cùng chuyên mục