Nghiêm cấm lạm dụng quyền hạn, tiền bạc để mua chuộc cử tri

- Phóng viên:
Nghiêm cấm lạm dụng quyền hạn, tiền bạc để mua chuộc cử tri

Theo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, sau hội nghị hiệp thương lần thứ 3, các cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử, bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử (ngày 27-4) và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7 giờ ngày 21-5). Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, trong quá trình lựa chọn những người tham gia ứng cử, việc kiểm tra hồ sơ ứng cử, lấy ý kiến cử tri, kê khai tài sản được đặc biệt quan tâm nhằm bảo đảm cuộc bầu cử công khai, minh bạch và dân chủ.

Đồng Chí Trần Thanh Mẫn

- Phóng viên: Sau hội nghị hiệp thương lần thứ 3, các ứng cử viên sẽ tham gia vận động bầu cử. Hình thức và quy trình thực hiện thế nào, thưa ông?

>> Đồng Chí Trần Thanh Mẫn: Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND, có hai hình thức vận động bầu cử mà người ứng cử có thể tiến hành, đó là thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri do MTTQ Việt Nam tổ chức và vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Trong đó, tại hội nghị cử tri do Ủy ban MTTQ Việt Nam tổ chức, sau khi đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tổ chức hội nghị giới thiệu và đọc tiểu sử tóm tắt của người ứng cử thì từng người giới thiệu ứng cử sẽ trình bày chương trình hành động của mình nếu được bầu làm ĐBQH hoặc đại biểu HĐND.

Sau đó cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm tại hội nghị.

Đối với hình thức vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng, người tham gia ứng cử trình bày về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm ĐBQH hoặc đại biểu HĐND khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương nơi ứng cử và trên các trang thông tin điện tử về bầu cử ĐBQH của Hội đồng Bầu cử quốc gia, trang tin điện tử về bầu cử của ủy ban bầu cử địa phương (nếu có). UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức việc đăng tải, thông tin chương trình hành động của người ứng cử ĐBQH và HĐND trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

- Thưa ông, bảo đảm bình đẳng giữa các ứng cử viên trong quá trình vận động bầu cử là việc không đơn giản?

Bảo đảm bình đẳng giữa các ứng cử viên trong quá trình vận động bầu cử thực sự là việc không đơn giản nếu không nói là rất khó khăn, nhưng không thể không nỗ lực tối đa để thực hiện. Bởi đây là yếu tố rất quan trọng bảo đảm chất lượng, hiệu quả của cuộc bầu cử. Việc vận động bầu cử phải bảo đảm sự bình đẳng, công bằng giữa những người ứng cử. Không có chuyện ai hơn ai trong vận động bầu cử. Để bảo đảm công bằng giữa các ứng cử viên trong quá trình tổ chức vận động bầu cử, Điều 68, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND đã quy định việc nghiêm cấm các hành vi trong vận động bầu cử, đó là lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri. MTTQ Việt Nam cũng có hướng dẫn để mọi người ứng cử đều bình đẳng như nhau.

Cụ thể, đối với hình thức vận động qua hội nghị tiếp xúc cử tri, mỗi người ứng cử được dành thời gian trình bày chương trình hành động tương đương nhau và với hình thức vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng quy định tương tự. Các ứng cử viên có thời lượng trả lời phỏng vấn hoặc trình bày các chương trình hành động của mình như nhau, không có sự phân biệt. Hoặc nếu đăng bài phát biểu, hình ảnh của các ứng cử viên thì phải xếp theo thứ tự chữ cái A, B, C…

Đồng thời, luật cũng quy định người ứng cử không được hứa những gì không thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình hoặc không thể làm được… Theo luật quy định, các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của tổ chức này không được vận động cho người ứng cử. Đồng thời, các phương tiện thông tin, tuyên truyền cũng không được đi vận động cho bất kỳ một cá nhân nào để vận động bầu cử mà chỉ dùng phương tiện thông tin đại chúng cho những người được tổ chức giới thiệu ứng cử và những người tự ứng cử trả lời phỏng vấn hoặc trình bày các chương trình hành động của mình cho cử tri. Trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể các cấp sẽ giám sát chặt chẽ việc này. Chúng tôi rất mong muốn nhân dân cùng tham gia giám sát vì có nhiều kênh thông tin theo dõi sẽ bảo đảm tốt tính khách quan trong cuộc bầu cử.

- Xin cảm ơn ông!

Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia TÒNG THỊ PHÓNG:

Đối với việc chỉ đạo tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử thì đây là nội dung quan trọng thuộc trách nhiệm MTTQ Việt Nam. Là đơn vị tổ chức cho người ứng cử vận động bầu cử tiếp xúc cử tri, mặt trận phải đảm bảo bình đẳng, công khai, minh bạch trong quá trình tiếp xúc cử tri của các ứng cử viên.

LÂM NGUYÊN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục