Hiện nay tại TPHCM có nhiều dự án đầu tư xây dựng đã và đang triển khai. Trong số đó có dự án mà các gói thầu đã hoàn thành nhưng chưa được chủ đầu tư nghiệm thu và bàn giao cho chủ quản lý sử dụng công trình. Vì sao có sự chậm trễ như vậy?
Thứ nhất là do sự thiếu hiểu biết của chủ đầu tư về pháp luật đầu tư xây dựng trong đó pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Khoản 3 Điều 35 Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25-7-2013 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng đã quy định:
a) Đối với công trình được nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng trước ngày Nghị định 15/2013/NĐ-CP có hiệu lực, việc nghiệm thu công trình được thực hiện theo quy định tại Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16-12-2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Theo quy định tại Điều 26 của nghị định này thì thành phần trực tiếp nghiệm thu công trình hoàn thành đưa vào sử dụng bao gồm: Phía chủ đầu tư: người đại diện theo pháp luật và người phụ trách bộ phận giám sát thi công xây dựng công trình của chủ đầu tư; người đại diện theo pháp luật và người phụ trách bộ phận giám sát thi công xây dựng công trình của nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình; phía nhà thầu thi công xây dựng công trình: người đại diện theo pháp luật; người phụ trách thi công trực tiếp.
Đây là quan hệ dân sự giữa hai chủ thể của hợp đồng xây dựng là chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng cho nên việc nhà thầu thiết kế tham gia nghiệm thu công trình hoàn thành để đưa vào sử dụng chỉ khi có yêu cầu của chủ đầu tư và có sự chấp thuận của nhà thầu thi công xây dựng khi đàm phán hợp đồng xây dựng.
Trường hợp chủ đầu tư không phải là chủ quản lý, chủ sử dụng công trình thì khi nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng để đưa vào sử dụng chủ đầu tư có thể mời chủ quản lý, chủ sử dụng công trình chứng kiến nghiệm thu nếu có yêu cầu (Khoản 1 Điều 17 Thông tư số 27/2009/TT-BXD ngày 31-7-2009 của Bộ Xây dựng “Hướng dẫn một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng”).
b) Đối với công trình được nghiệm thu hoàn thành sau ngày 15-4-2013, việc nghiệm thu công trình phải thực hiện theo quy định của Nghị định 15/2013/NĐ-CP ngày 6-2-2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.
Khoản 3 Điều 22 Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25-7-2013 của Bộ Xây dựng “Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng” đã quy định các thành phần trực tiếp nghiệm thu công trình hoàn thành đưa vào sử dụng cũng giống như quy định tại Nghị định 209/2004/NĐ-CP. Trong đó cũng nhấn mạnh, trường hợp chủ đầu tư không phải là chủ quản lý, chủ sử dụng công trình thì khi nghiệm thu, chủ đầu tư có thể mời chủ quản lý, chủ sử dụng công trình tham gia chứng kiến nghiệm thu.
Như vậy, theo các quy định nêu trên thì chủ quản lý, chủ sử dụng công trình không phải là thành phần trực tiếp nghiệm thu.
Việc bàn giao công trình cũng được các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên quy định. Chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao công trình cho chủ quản lý, chủ sử dụng công trình sau khi đã tổ chức nghiệm thu hoàn thành công trình. Kết quả bàn giao công trình phải được lập thành biên bản (Khoản 2 Điều 17 Thông tư số 27/2009/TT-BXD). Trong trường hợp chủ đầu tư không phải là chủ quản lý, chủ sử dụng công trình thì chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao công trình cho chủ quản lý, chủ sử dụng công trình sau khi đã tổ chức nghiệm thu hoàn thành công trình. Kết quả bàn giao phải được lập thành biên bản (Khoản 1 Điều 32 Thông tư số 10/2013/TT-BXD).
Thứ hai là do sợ chủ quản lý, chủ sử dụng không tiếp nhận công trình.
Chủ đầu tư mang nặng tâm lý lo sợ không bàn giao được công trình cho chủ quản lý, chủ sử dụng công trình. Ở đây cần phải nói thẳng, nếu chủ đầu tư quản lý chất lượng công trình tốt thì không ngại gì khi bàn giao công trình cho chủ quản lý, chủ sử dụng công trình. Thế nhưng, do công tác quản lý chất lượng không chặt chẽ nên nguy cơ không bàn giao được công trình là rất dễ xảy ra. Chính vì vậy mà chủ đầu tư chèo kéo bằng được chủ quản lý, chủ sử dụng công trình cùng tham gia nghiệm thu công trình. Việc tổ chức nghiệm thu tay ba như vậy vừa vi phạm các quy định về pháp luật quản lý chất lượng công trình nêu trên, vừa kéo dài công tác nghiệm thu, cụ thể là:
a) Chủ đầu tư (bên giao thầu) nghiệm thu công trình với nhà thầu thi công xây dựng (bên nhận thầu) theo thiết kế được phê duyệt. Chủ quản lý, chủ sử dụng công trình không phải là người giám sát, quản lý chất lượng công trình trong quá trình thi công nên không thể đánh giá được.
b) Chủ quản lý, chủ sử dụng công trình không phải là chủ thể của hợp đồng xây dựng.
c) Chủ quản lý, chủ sử dụng lại quá cầu toàn nên đưa ra những yêu cầu ngoài cả yêu cầu của thiết kế.
Bản chất của sự lôi kéo chủ quản lý, chủ sử dụng vào nghiệm thu công trình là muốn chia sẻ trách nhiệm của chủ đầu tư. Nói cách khác là chủ đầu tư vô trách nhiệm và muốn chối bỏ trách nhiệm của mình. Với cách nghiệm thu tùy tiện này thì công tác nghiệm thu và bàn giao công trình hoàn thành vào sử dụng tại các dự án đầu tư xây dựng của thành phố không biết bao giờ mới xong.
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần chấn chỉnh kịp thời công tác nghiệm thu, bàn giao công trình của chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của chính phủ nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các tổ chức liên chính phủ hoặc liên quốc gia cung cấp cho nước ta để nhanh chóng đưa công trình vào sử dụng đúng tiến độ và hiệu quả.
LÊ THỊ MINH CHÂU